ỨNG DỤNG MÔ HÌNH ĐẢO CHIỀU (REVERSAL) VÀ MÔ HÌNH TIẾP TỤC (CONTINUES)

Trong đầu tư chứng khoán thì phân tích kỹ thuật là một phần không thể thiếu để có thể nắm bắt xu hướng của thị trường hoặc xu hướng của một cổ phiếu. Từ những tín hiệu phát ra dựa trên phân tích đồ thị và các chỉ báo chúng ta có thể nhận diện cổ phiếu đang tiếp diễn xu hướng của nó hay có dấu hiệu đảo chiều.

Từ những phân tích đó sẽ giúp chúng ta dễ dàng tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, bán đi hay mở vị thế mua mới dễ dàng hơn.

Trong bài viết dưới đây bạn cùng tôi sẽ tìm hiểu một số mô hình đảo chiều (Reversal) và mô hình tiếp tục (continues) nhé.

I/ Các mô hình đảo chiều (Reversal):

  1. Mô hình vai đầu vai thuận, nghịch
  2. Mô hình hai đỉnh, hai đáy
  3. Mô hình ba đỉnh, ba đáy
  4. Các mẫu hình nến đảo chiều

1. Mô hình vai đầu vai là gì?

Mô hình vai đầu vai (Head And Shoulders) là một mẫu hình giá thường xuyên xuất hiện trên biểu đồ giá cung cấp tín hiệu đảo chiều xu hướng. Mô hình này gồm có 1 đỉnh vai phải, 1 đỉnh vai trái và 1 đỉnh cao hơn ở giữa gọi là đầu. Đường thẳng đi qua 2 đáy của mô hình được gọi là đường viền cổ (Neckline). Khi giá break-out khỏi đường viền cổ sẽ đảo chiều mạnh mẽ so với xu hướng cũ.

Các loại mẫu hình vai đầu vai

Dựa vào hình dáng, vị trí xuất hiện người ta chia mẫu hình vai đầu vai thành 2 loại chính là: mô hình vai đầu vai thuận và mô hình vai đầu vai ngược. Để phân biệt 2 mẫu hình này trader cần ghi nhớ các đặc điểm sau:

Mô hình vai đầu vai thuận

Mô hình vai đầu vai thuận thường xuất hiện ở cuối một xu hướng tăng, cung cấp tín hiệu đảo chiều tăng sang giảm. Mô hình này có 3 đỉnh liên tiếp, khi quan sát trên biểu đồ sẽ giống như phần vai phải, vai trái và đỉnh đầu của con người. Khi giá break out khỏi đường Neckline sẽ giảm mạnh, nhà đầu tư cần thận trọng bán ra để chốt lời hoặc cắt lỗ để bảo toàn vốn và lợi nhuận.

Mô hình vai đầu vai ngược

Ngược lại với mô hình vai đầu vai thuận là mô hình vai đầu vai ngược. Mô hình này thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, báo hiệu sự đảo chiều xu hướng từ giảm sang tăng. Nhà đầu tư có thể chọn đểm mua vào khi giá breakout khỏi mô hình.

Đặc điểm nhận dạng mô hình vai đầu vai

Khi giao dịch với mô hình giá thì việc nhận diện chính xác mô hình là điều vô cùng quan trọng. Nếu không nhận diện được mô hình giá trên biểu đồ, nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ cơ hội giao dịch tiềm năng; còn nếu nhận diện sai sẽ dẫn đến vào lệnh sai và thua lỗ.

Sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ một số đặc điểm nhận dạng của mô hình vai đầu vai thuận. Đối với vai đầu vai ngược nhà đầu tư chỉ cần đảo ngược lại các tín hiệu. Cụ thể như sau:

  • Xu hướng trước khi hình thành mô hình vai đầu vai thuận phải là xu hướng tăng rõ ràng. Đến khi xuất hiện mô hình vai đầu vai thì xu hướng tăng đã có dấu hiệu suy yếu. Điều này cho thấy phe mua đang dần kiệt sức và không thể đẩy giá cao hơn nữa
  • Vai trái: Đỉnh đầu tiên của mô hình vai đầu vai. Ban đầu giá tăng theo xu hướng chính, nhưng sau đó phe bán đã kiếm soát được tình hình và đẩy giá xuống tạo thành đỉnh thứ 1.
  • Low 1: Sau khi tăng tạo vai phải thì giá giảm điều chỉnh tạo ra điểm Low 1
  • Đỉnh đầu: Đây là đỉnh cao nhất trong mô hình vai đầu vai. Sau giai đoạn giảm điều chỉnh, phe mua tiếp tục kéo giá lên tạo thành đỉnh thứ 2.
  • Low 2: Tiếp theo phe bán lại tham gia vào thị trường kéo giá giảm xuống tạo điểm Low 2
  • Vai phải: Một lần nữa phe mua lại cố gắng đẩy giá lên, nhưng lần này không thành công đẩy cao hơn đỉnh đầu. Điều này cho thấy phe mua đã có sự suy kiệt.
  • Đường viền cổ: Đường thẳng nối qua Low 1 và Low 2. Khi giá breakout qua đường viền cổ sẽ giảm mạnh mẽ.

Cách giao dịch với mô hình vai đầu vai

Có 3 cách giao dịch với mô hình vai đầu vai như sau:

Cách 1: Vào lệnh mua/bán ngay khi giá vừa breakout Neckline

Cách 2: Đặt lệnh khi giá test lại vùng đã phá vỡ

Nếu ưa thích sự an toàn, nhà đầu tư có thể đợi giá quay lại retest vùng phá vỡ thì mới vào lệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp giá không quay lại retest, mà di chuyển mạnh mẽ theo hướng phá vỡ luôn thì nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ cơ hội vào lệnh đẹp.

Cách 3: Đặt lệnh ngay tại đỉnh vai phải

Nếu bạn là nhà đầu tư mạo hiểm và muốn kiếm được nhiều lợi nhuận nhất thì không nên bỏ qua cách giao dịch thứ 3 này.

Điểm vào lệnh mua/bán ngay sau khi vai phải được hình thành. Nếu như tại đỉnh vai phải xuất hiện các cây nến đảo chiều thì tín hiệu sẽ chắc chắn hơn.

Một số lưu ý về mô hình giá vai đầu vai

Mặc dù là mô hình giá đảo chiều mạnh mẽ, nhưng không phải lúc nào tín hiệu từ mô hình vai đầu vai cũng chính xác 100%. Do đó khi giao dịch với mô hình giá vai đầu vai, nhà đầu cần lưu ý những điều sau:

  • Cần phải xác định rõ xu hướng trước khi hình thành mô hình Head And Shoulders. Nếu xu hướng này tăng hoặc giảm càng dài thì tín hiệu đảo chiều càng mạnh mẽ.
  • Luôn nhớ phải đặt cắt lỗ, chốt lời trong mọi trường hợp.
  • Trong trường hợp khi có tin tức lớn ảnh hưởng đến giá thì mô hình vai đầu vai sẽ không còn đúng nữa.
  • Tuyệt đối không nên giao dịch chỉ dựa vào một tín hiệu từ mô hình giá, mà cần kết hợp với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để chắc chắn có sự đảo chiều xảy ra.
  1. Mô hình 2 đỉnh, 2 đáy là gì?

Mô hình 2 đỉnh hay Double Top là mẫu hình giá đảo chiều, thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng, cung cấp tín hiệu đảo chiều từ tăng sang giảm. Mô hình này gồm 2 đỉnh có chiều cao tương đương nhau và một đường Neckline đi qua đáy được tạo bởi 2 đỉnh. Hình dáng của mô hình 2 đỉnh giống như chữ M.

Mô hình 2 đỉnh cho thấy ban đầu phe mua vẫn đang cố gắng đẩy giá lên cao theo xu hướng chính. Nhưng ngay sau đó, phe bán đã tham gia thị trường khiến giá quay đầu giảm tạo thành đỉnh thứ nhất. Tiếp theo, phe mua lại một lần nữa đẩy giá lên cao nhưng lại không thể vượt qua mức kháng cự mạnh nên tạo thành đỉnh thứ 2.

Mô hình này cho thấy động lực của phe mua đã yếu, phe bán đang gom dần để chuẩn bị kéo giá đi xuống. Khi giá breakout khỏi đường Neckline sẽ giảm mạnh mẽ, lúc này nhà đầu tư có thể bán ra để chốt lời hoặc cắt lỗ để bảo toàn vốn,

Đặc điểm của mô hình hai đỉnh

  • Xu hướng: Trước khi xuất hiện mô hình 2 đỉnh phải là xu hướng tăng rõ ràng, đây là đặc điểm quan trọng mà trader cần nắm được.
  • Hình dáng: Mô hình hai đỉnh có hình dạng giống chữ M. Trong đó, 2 đỉnh có chiều cao tương đương nhau (mức giá chênh lệch giữa 2 đỉnh không được lớn quá 5%), 1 đáy trung tâm được tạo thành giữa 2 đỉnh và 1 đường viền cổ Neckline đi qua đáy trung tâm, đóng vai trò như một đường hỗ trợ.
  • Thời gian hình thành: Thường kéo dài từ 3 – 4 tuần. Mô hình hai đỉnh chỉ được xem là hoàn thiện khi giá breakout khỏi đường viền cổ.
  • Tín hiệu: Khi giá breakout khỏi mô hình sẽ giảm mạnh hoặc retest lại đường viền cổ rồi mới giảm mạnh.

Cách giao dịch với mô hình 2 đỉnh

Mô hình 2 đỉnh cung cấp tín hiệu đảo chiều từ tăng sang giảm, nên nhà đầu tư có thể nhận diện để đóng các vị thế đang mở để đón đầu xu hướng giảm. Tuy nhiên, trước khi giao dịch nhà đầu tư cần xác nhận xu hướng trước đó là xu hướng tăng và đã có dấu hiệu suy yếu như: thất bại trong việc tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước… Tuyệt đối không giao dịch nếu xu hướng hiện tại vẫn còn đang mạnh.

Sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ 3 cách giao dịch khi gặp mô hình hai đỉnh:

Cách 1: Vào lệnh ngay khi giá breakout khỏi đường Neckline

Cách 2: Vào lệnh khi giá quay lại Retest đường Neckline

Cách giao dịch này sẽ an toàn hơn cách 1, nhưng nhà sẽ bỏ lỡ cơ hội vào lệnh đẹp nếu giá không quay lại retest vùng phá vỡ mà giảm mạnh luôn.

Cách 3: Vào lệnh sau đỉnh thứ 2

Với cách giao dịch này, nhà đầu tư cần sử dụng đến công cụ khác nữa chính là đường trendline – Đường thẳng đi qua đáy trung tâm của mô hình và đáy của các đoạn giảm điều chỉnh trước đó. Cách giao dịch như sau:

Điểm vào lệnh: Khi giá giảm từ đỉnh 2 và chạm vào đường trendline.

Trong 3 cách mà chúng tôi chia sẻ ở trên thì cách 1, 2 an toàn hơn và được nhà đầu sử dụng nhiều nhất. Cách 3 tuy có rủi ro cao hơn, nhưng nếu giá đi đúng dự đoán nhà đầu sẽ thu được lợi nhuận rất lớn.

Mô hình giá hai đáy (Double bottom)

Là một trong những mẫu hình giá đảo chiều xuất hiện phổ biến nhất trên thị trường với độ tin cậy cao.

NHẬN DIỆN MẪU HÌNH GIÁ HAI ĐÁY:

Mẫu hình được tạo thành từ hai đáy liên tiếp gần bằng nhau, với phần đỉnh điều chỉnh vừa phải ở giữa.

Mẫu hình đảo chiều 2 đáy sẽ chỉ ra sự thay đổi xu hướng từ giảm thành tăng trong ít nhất là trung hạn, hay có thể là dài hạn. Trong quá trình giảm giá, sẽ có nhiều tín hiệu hình thành mẫu hình đảo chiều 2 đáy, nhưng phải đến khi đường kháng cự chính bị phá vỡ, sự đảo chiều mới có thể được xác nhận.

CÁC THÀNH PHẦN CHÍNH:

  • Xu hướng chính: Trước khi xuất hiện mẫu hình, nên có một xu hướng giảm đáng kể trong vài tháng.
  • Đáy đầu tiên: sẽ đánh dấu điểm thấp nhất của xu hướng hiện tại. Vào thời điểm này, đáy đầu tiên khá thuận theo thị trường và không có dấu hiệu chững lại (hoặc rơi vào tình trạng hoài nghi)
  • Đỉnh điều chỉnh: Sau đáy đầu tiên, nhìn chung có hồi phục lai tăng từ 10-20%. Khối lượng lần giảm này thường không quan trọng. Giá sẽ đi quanh vùng đỉnh này, và đó có thể là một dấu hiệu của sự suy giảm về cầu.

  • Đáy thứ hai: Đợt giảm thứ hai thường diễn ra với khối lượng lượng thấp và chạm phải mức hỗ trợ từ đáy trước đó. Ngay sau khi gặp hỗ trợ từ đáy cũ, chỉ có khả năng của mẫu hình 2 đáy tồn tại. Nhưng mẫu hình vẫn cần phải được xác nhận.
    Khoảng thời gian giữa 2 đáy có thể thay đổi từ vài tuần đến nhiều tháng, tiêu chuẩn là 1-3 tháng. Có thể sẽ có một độ chênh nhất định giữa 2 đáy. Thông thường, đáy sau dao động trong khoảng 3% so với đáy cũ là thích hợp.
  • Tăng từ đáy: Lần hồi phục tiếp theo từ đáy thứ hai sẽ cho thấy sự mở rộng về khối lượng và (hoặc) sự tăng dần về giá, có thể được thể hiện bằng một hoặc hai khoảng trống giá. Nó cho thấy lực cung đã yếu hơn cầu và một đợt test kháng cự sắp diễn ra.
  • Phá vỡ kháng cự: Ngay cả khi lên tới vùng kháng cự, mẫu hình đảo chiều 2 đáy vẫn chưa thật sự xác nhận. Nó cần 1 cú phá vỡ ngưỡng kháng cự từ vùng đỉnh giữa các đáy để xác nhận mẫu hình. Đi kèm là sự gia tăng về khối lượng và/hoặc giá tăng dần.
  • Kháng cự trở thành hỗ trợ: Kháng cự khi bị phã vỡ sẽ trở thành một ngưỡng hỗ trợ tiềm năng và đôi khi sẽ có một đợt test ngưỡng hỗ trợ này. Đợt test đó cũng là cơ hội thứ hai để những ai “lỡ chuyến tàu” có thể mở vị thế mua.
  • Mục tiêu giá: Khoảng cách từ điểm phá vỡ kháng cự đến đáy cũ có thể sẽ là khoảng cách từ điểm phá vỡ đến giá mục tiêu. Điều này có nghĩa nếu mẫu hình được hình thành càng lớn, giá mục tiêu càng cao.

LƯU Ý:

Điều quan trọng cần nhớ là mẫu hình đảo chiều 2 đáy hình thành trong trung hạn đến dài hạn sẽ, không hình thành trong một vài ngày. Có thể hình thành trong một vài tuần, nhưng tốt nhất là nên có ít nhất 4 tuần giữa hai đáy. Đáy thường mất nhiều thời gian để hình thành hơn đỉnh; kiên nhẫn là một chiến thuật và cũng là đức tính cần thiết để phát triển và tìm kiếm những dấu hiệu thích hợp. Đợt tăng từ đáy đầu tiên phải là từ 10-20%. Đáy thứ hai sẽ hình thành trong khoản 3% mức thấp trước đó và khối lượng của đợt tăng tiếp theo sẽ tăng lên.

Cũng giống như với mẫu hình 2 đỉnh, quan trọng là hãy chờ cho tới khi có sự bứt phá khỏi kháng cự. Mẫu hình sẽ không được xác nhận cho tới khi có một sự bứt phá..

3. Mô hình 3 đỉnh

Mô hình 3 đỉnh có tên tiếng Anh là Triple Top, đây là một trong những mô hình giá đảo chiều giảm thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng và được coi là tiếp nối của mô hình hai đỉnh. Giá sau khi tạo đỉnh 1, đỉnh 2 không đảo chiều giảm ngay mà quay đầu đi lên tạo thành đỉnh thứ 3, sau đó mới giảm mạnh mẽ.

Mô hình Triple Top gồm 3 đỉnh có chiều cao tương đương nhau, cho thấy giá không thể tăng cao hơn được nữa. Xen kẽ giữa 3 đỉnh là 2 đáy do phe bán đang cố gắng kéo giá đi xuống nhưng gặp phải đường hỗ trợ mạnh nên bị kéo ngược trở lại. Đường thẳng đi qua 2 đáy của mô hình được gọi là đường viền cổ (Neckline).

Khi giá breakout khỏi đường viền cổ thì mô hình ba đỉnh được coi là hoàn thành. Hành động giá sau đó có xu hướng giảm mạnh theo hướng phá vỡ.

Đặc điểm của mô hình ba đỉnh

  • Xu hướng trước khi hình thành mô hình phải là xu hướng tăng rõ ràng và đã có dấu hiệu suy yếu.
  • 3 đỉnh của mô hình Triple Top phải có chiều cao tương đương nhau và bị giới hạn bởi một đường kháng cự mạnh. Điều này cho thấy phe mua đã đuối sức và không thể đẩy giá cao hơn nữa
  • 2 đáy xen giữa 3 đỉnh cũng tương đối bằng nhau, cho thấy có sự điều chỉnh giảm tạm thời.
  • Đường thẳng đi qua 2 đáy của mô hình được gọi là đường viền cổ (Neckline), đóng vai trò như một đường hỗ trợ mạnh.
  • Mô hình 3 đỉnh chỉ hoàn thiện khi giá phá vỡ đường viền cổ đi xuống. Giá sau khi breakout khỏi đường viền cổ sẽ giảm mạnh mẽ hoặc quay lại retest vùng phá vỡ rồi mới bắt đầu giảm mạnh.
  • Thời gian hình thành mô hình ba đỉnh từ 3 – 6 tháng.

Cách giao dịch với mô hình 3 đỉnh

Khi giá tạo 3 đỉnh cho thấy phe mua đã rất nỗ lực kéo giá lên nhưng cả 3 lần đều thất bại bởi một đường kháng cự mạnh. Còn phe bán đã thành công kéo giá đi xuống khi bứt phá khỏi đường viền cổ. Khi đó, nhà đầu tư có thể đóng vị thế hoặc vào lệnh bán. Cách giao dịch được thực hiện như sau:

Bước 1: Xác định xu hướng

Điều kiện quan trọng để xác nhận mẫu hình ba đỉnh chính là xu hướng trước đó phải là Uptrend và đã có dấu hiệu suy yếu khi liên tục thất bại trong việc tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Nhà đầu tư có thể xác định xu hướng dựa vào đường xu hướng trendline, kênh giá hoặc phân tích biểu đồ trên những khung thời gian lớn hơn.

Bước 2: Nhận diện mô hình 3 đỉnh

Mô hình Triple Top phải thoả mãn tất cả các đặc điểm mà chúng tôi chia sẻ ở trên, tức là phải có 3 đỉnh có chiều cao tương đương nhau. Tiếp theo chờ đợi giá breakout khỏi đường viền cổ thì mới bắt đầu giao dịch. Để an toàn, nhà đầu tư có thể kết hợp thêm các công cụ phân tích khác để xác nhận xu hướng chuẩn bị đảo chiều từ tăng sang giảm.

Bước 3: Tiến hành vào lệnh

Sau khi mô hình hoàn thành, nhà đầu tư có thể thực hiện lệnh bán theo 2 cách sau:

  • Cách 1: Vào lệnh khi giá vừa breakout khỏi đường viền cổ
  • Cách 2: Vào lệnh khi quá quay lại retest lại đường viền cổ. Điểm vào lệnh tại mức giá quay lại Retest.

Trong 2 cách trên, cách giao dịch 2 an toàn hơn nhưng nếu giá không quay lại retest vùng phá vỡ mà giảm mạnh luôn thì nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ cơ hội vào lệnh đẹp.

Mô hình 3 đáy

Mô hình 3 đáy có tên tiếng Anh là Triple Bottom, đây là một trong những mô hình giá đảo chiều thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, báo hiệu xu hướng giảm sắp kết thúc và giá chuẩn bị đảo chiều sang tăng.

Mô hình Triple Bottom được tạo thành từ 3 đáy có chiều cao tương đương nhau, 2 đỉnh ở giữa và 1 đường viền cổ (Neckline) đi qua 2 đỉnh đóng vai trò như một đường kháng cự mạnh. Hình dáng giống như 3 chữ V ghép lại với nhau (VVV).

Mẫu hình giá này chỉ được xem là hoàn thành khi giá breakout khỏi đường viền cổ. Sau khi breakout khỏi đường Neckline, giá có xu hướng tăng mạnh mẽ. Dựa vào tín hiệu này, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua để đón đầu xu hướng tăng mới.

Đặc điểm của mẫu hình 3 đáy 

  • Xu hướng trước khi hình thành mẫu hình ba đáy phải là xu hướng giảm rõ ràng.
  • Cấu tạo gồm: 3 đáy, 2 đỉnh và một đường Neckline. Trong đó:
    • 3 đáy có hình chữ V với chiều cao tương đương nhau và bị giới hạn bởi một đường hỗ trợ mạnh nằm ngang.
    • 2 đỉnh hình chữ A có chiều cao tương đương nhau.
    • Neckline: Là đường thẳng đi qua 2 đỉnh của mô hình, đóng vai trò như một đường kháng cự mạnh.
  • Mô hình ba đáy chỉ hoàn thiện khi giá break-out khỏi đường viền cổ, sau đó tăng mạnh hoặc quay lại retest đường viền cổ rồi mới bắt đầu tăng mạnh.
  • Khối lượng giao dịch sẽ giảm dần trong giai đoạn hình thành mẫu hình ba đáy. Chi sau khi mô hình hoàn thành, giá mới bắt đầu tăng lên.

Ý nghĩa của mô hình 3 đáy

Mô hình ba đáy xuất hiện ở cuối xu hướng giảm cho thấy phe bán đã bắt đầu suy giảm, phe mua tham gia thị trường và đẩy giá lên tạo thành đỉnh thứ nhất. Sau đó, bên bán lại cố gắng kéo giá xuống, nhưng không thể vượt qua đường hỗ trợ khiến giá bị giật ngược trở lại tạo thành đáy thứ nhất. 

Sự giằng co này tiếp tục diễn ra cho đến khi hình thành đáy thứ 3. Tuy nhiên, lúc này lực mua đã mạnh hơn, khi giá bứt phá khỏi đường kháng cự chứng tỏ phe mua đã giành được quyền kiểm soát thị trường và giá bắt đầu tăng mạnh mẽ. 

Cách giao dịch với mô hình 3 đáy 

Bước 1: Xác định xu hướng

Mô hình 3 đáy có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trên biểu đồ, nhưng nó chỉ cung cấp tín hiệu đảo chiều khi xuất hiện ở cuối xu hướng giảm. Để xác định xu hướng đang diễn ra, nhà đầu tư có thể sử dụng đường trendline, kênh giá hoặc phân tích biểu đồ trên những khung thời gian lớn hơn.

Bước 2: Nhận diện mô hình ba đáy 

Mẫu hình 3 đáy chỉ được xác nhận khi có đầy đủ các đặc điểm mà chúng tôi giới thiệu ở trên, đó là: có 3 đáy tương đương nhau và 2 đỉnh ở giữa cũng có chiều cao gần bằng nhau. Để an toàn, nhà đầu tư có thể kết hợp tín hiệu từ các chỉ báo, mô hình nến đảo chiều… để xác nhận đảo chiều từ giảm sang tăng.

Bước 3: Tìm điểm vào lệnh

  • Cách 1: Giao dịch ngay khi giá break-out khỏi đường viền cổ. Điểm vào lệnh tại mức giá đóng cửa của cây nến phá vỡ đường viền cổ.
  • Cách 2: Giao dịch sau khi giá quay lại retest đường Neckline. Điểm vào lệnh là tại mức giá hồi lại và chạm vào đường viền cổ.

Trong 2 cách trên thì cách 2 an toàn hơn, nhưng nếu giá không retest vùng phá vỡ thì nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ cơ hội vào lệnh tốt. Nếu theo cách 1 thì điểm vào lệnh sẽ tối ưu hơn nhưng xác suất tín hiệu sai cũng sẽ cao hơn.

Lưu ý khi sử dụng mô hình ba đáy

Mô hình Triple Bottom được đánh giá cao trong việc cung cấp tín hiệu đảo chiều tăng. Tuy nhiên, nó không phải là “chén thánh” và vẫn có tín hiệu sai, trong nhiều trường hợp giá sau khi phá vỡ đường viền cổ không đảo chiều tăng mà vẫn tiếp tục giảm. Do đó, khi giao dịch với mô hình 3 đáy, nhà đầu tưcần ghi nhớ những điều sau:

  • Luôn phải chú ý đến khối lượng giao dịch tại mỗi đáy. Mô hình này sẽ hoàn hảo nếu volume giảm dần từ đáy 1 đến đáy 3. Tuyệt đối không giao dịch khi khối lượng bằng nhau hoặc đang tăng dần nhé.
  • Trước khi hình thành mô hình phải là một xu hướng giảm rõ ràng và xu hướng này đã có dấu hiệu suy yếu.
  • Không nên giao dịch chỉ dựa vào tín hiệu từ mô hình 3 đáy, bỏi giao dịch đảo chiều tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Nhà đầu tư nên kết hợp với các chỉ báo, nến đảo chiều khác để xác nhận lại tín hiệu đảo chiều.
  • Mô hình càng đẹp thì độ chính xác càng cao. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào mô hình này cũng có các đỉnh/ đáy có chiều cao tương đồng nhau. Nhà đầu tư cần linh động hơn khi xác nhận tín hiệu.
  • Luôn có điểm stoplost để thoát vị thế.
  1. MÔ HÌNH NẾN ĐẢO CHIỀU (REVERSAL)

Mô hình nến đảo chiều thường cung cấp tín hiệu thị trường – cổ phiếu sắp đảo chiều từ tăng sang giảm hoặc từ giảm sang tăng, dựa vào đó, nhà đầu tư có thể dự đoán hướng đi tiếp theo của giá và tìm được điểm để mở vị thế mua hoặc đóng vị thế hợp lý.

Có rất nhiều mẫu hình nến đảo chiều xuất hiện trên biểu đồ, tuy nhiên không phải mô hình nào cũng cung cấp tín hiệu chính xác. Cho nên khi phân tích biểu đồ, Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng các mô hình nến đảo chiều có độ tin cậy cao, xuất hiện tại các vùng kháng cự hỗ trợ quan trọng và kết hợp với các công cụ phân tích khác để xác nhận đảo chiều, từ đó tăng xác suất đúng khi đầu tư

  1. Các mô hình nến đảo chiều tăng

Nến Hammer

Nến Hammer hay còn gọi là nến búa bao gồm 1 cây nến có hình dạng giống “cái búa”. Phần thân nến nhỏ nằm ở phía trên, râu nến dưới dài gấp 2 – 3 lần thân nến, râu nến trên không có hoặc có thì cũng rất ngắn. 

Nến búa có thể có màu xanh hoặc màu đỏ, thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, cho thấy phe bán đang có dấu hiệu suy yếu và thị trường đang dần tăng trở lại. Tuy nhiên, nến Hammer chỉ phát huy tác dụng khi trước đó phải có nhiều cây nến đỏ xuất hiện liên tiếp.

Ý nghĩa

Nến búa xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, cho thấy trong phiên giao dịch phe bán đã cố gắng đẩy giá xuống thấp hơn. Nhưng phe mua đã tham gia thị trường và kéo giá đi lên, khiến giá đóng cửa gần với mức giá mở cửa. 

Điều này cho thấy phe mua đang dần kiểm soát thị trường, giá chuẩn bị đảo chiều từ giảm sang tăng. Dựa vào tín hiệu này, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định mở vị thế mua để đón đầu xu hướng tăng.

Nến Inverted Hammer 

Nến búa ngược có phần thân khá nhỏ nằm ở phía dưới, râu nến trên dài gấp 2-3 lần thân nến, râu nến dưới hầu như không có, có thể là cây nến xanh hoặc đỏ nhưng nến xanh sẽ cho tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ hơn.

Ý nghĩa

Nến Inverted Hammer thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, cho thấy phe mua đang cố gắng đẩy giá lên cao, nhưng tình trạng này không thể kéo dài bởi phe bán đã kéo giá xuống gần mức giá mở cửa. 

Mô hình này cho thấy giá đang thăm dò để đẩy giá lên cao nữa. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chờ có sự xác nhận của các cây nên tiếp theo hoặc kết hợp các công cụ phân tích khác để xác nhận đảo chiều tăng và vào lệnh mua để đón đầu xu hướng mới.

Nến Doji chuồn chuồn

Nến Doji chuồn chuồn có hình dạng giống chữ “T“, thân nến nhỏ, đôi khi chỉ như một đường thẳng nằm ngang, râu nến trên không có, râu nến dưới dài. Nến Doji thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm và không quan trọng màu sắc. 

Ý nghĩa

Nến Doji chuồn chuồn cho thấy trong phiên giao dịch, phe bán đã cố gắng kéo giá đi xuống, nhưng không duy trì được lâu bởi phe mua đã tham gia thị trường và đầy giá đi lên. Tuy nhiên, phe mua cũng không thể đẩy giá cao hơn mức giá mở cửa dẫn đến giá mở và đóng cửa trùng nhau.

Qua đó, nhà đầu tư có thể nhìn thấy nỗ lực lội ngược dòng chiếm ưu thế của phe mua và có thể sẽ xảy ra đảo chiều giảm sang tăng.

Nến Bullish Engulfing

Bullish Engulfing (nến nhấn chìm tăng) là mẫu hình gồm 2 cây nến ngược nhau, trong đó cây nến đầu tiên là cây nến giảm (nếu cây nến này là nến Doji thì tín hiệu đảo chiều càng mạnh mẽ), cây nến thứ 2 là cây nến xanh có phần thân lớn nhấn chìm hết cây nến đầu tiên. Mô hình này thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm.

Ý nghĩa

Mô hình nến nhấn chìm tăng cho thấy phe mua đang rất mạnh mẽ, khi cây nến này kết thúc sẽ có sự tăng giá mạnh mẽ. Giá sẽ đảo chiều từ giảm sang tăng, khi này nhà đầu tư có thể mở vị thế mua với xác suất chính xác cao.

Nến Morning star 

Morning star (nến sao mai) là mô hình cụm 3 nến, trong đó cây nến đầu tiên là cây nến giảm mạnh, thân dài. Cây nến thứ 2 có thân nhỏ, có thể là nến đỏ hoặc xanh (nếu là nến Doji hoặc spinning top thì càng tốt). Cây nến thứ 3 phải là cây nến xanh tăng mạnh. Nến sao mai thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm hoặc vùng hỗ trợ mạnh.

Ý nghĩa

Ở cây nến đầu tiên là cây nến đỏ lớn cho thấy phe bán vẫn nắm giữ thị trường. Tuy nhiên, khi xuất hiện cây nến thứ 2 với thân nến nhỏ cho thấy sự lưỡng lự giữa 2 phe. Đến khi xuất hiện cây nến xanh lớn thứ 3, cho thấy phe mua đã kiểm soát thị trường và giá chuẩn bị tăng mạnh. Mở vị thế mua khi này sẽ giúp nhà đầu tư thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Nến 3 chàng lính trắng

Mô hình nến 3 chàng lính trắng (Three White Soldiers) là cụm 3 cây nến xanh liên tiếp nhau, trong đó giá mở cửa của nến sau thuộc trong phần thân của nến trước. Mẫu hình này thường xuất hiện sau một xu hướng giảm dài hoặc một đợt đi ngang ngắn.

Ý nghĩa

Mô hình Three White Soldiers cho thấy phe bán đã ở cuối đà giảm và phe mua đã bắt đầu tăng mạnh ủng hộ sự đổi chiều xu hướng. Nhà đầu tư có thể mở vị thế mua sau khi mô hình nến hoàn thành.

Nến Bullish Harami

Bullish Harami (nến mẹ bồng con tăng) là cụm 2 cây nến khác màu nhau, trong đó cây nến đầu tiên là cây nến giảm mạnh thân dài, cây nến thứ 2 là cây nến tăng với phần thân nhỏ (<25% thân nến mẹ). 

Mô hình nến Bullish Harami xuất hiện tại vùng hỗ trợ của xu hướng giảm, cho thấy sự đột ngột mất đà của phe bán. Giá cây nến thứ 2 không thể duy trì được đà giảm mạnh như cây nến đầu tiên, vì phe mua đã chiếm ưu thế trên thị trường. Khi đó, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua để đón đầu xu hướng tăng với xác suất đúng cao.

  1. Các mô hình nến đảo chiều giảm

Ngược lại với mẫu hình nến đảo chiều tăng thì các nến đảo chiều giảm sẽ xuất hiện ở cuối xu hướng tăng báo hiệu đổi chiều sang giảm. Dựa vào tín hiệu của nến đảo chiều giảm kết hợp cùng các công cụ phân tích kỹ thuật khác nhà đầu tư có thể quyết định bán chốt lãi hoặc cắt lỗ để bảo toàn vốn và lợi nhuận đang có. Mô hình nến này sẽ gồm những mẫu cơ bản như sau:

Nến Hanging Man

Hanging Man (nến người treo cổ) là cây nến thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng, có phần thân nhỏ nằm ở phía trên, râu dưới dài gấp 2-3 lần so với thân nến, râu trên ngắn hoặc gần như không có. Hình dáng của nến người treo cổ rất giống với nến búa nhưng khác nhau ở vị trí xuất hiện. Do đó, nhà đầu tư cần nắm được đặc điểm này để không nhầm lẫn giữa 2 mô hình.

Ý nghĩa

Nến Hanging Man cho thấy trong phiên giao dịch, phe bán đang cố gắng đẩy giá xuống thấp, nhưng mức giá này không được duy trì do phe mua đã tham gia thị trường và kéo giá đóng cửa gần với giá mở cửa. Mô hình này chính là sự tham dò giảm giá của phe bán và thị trường chuẩn bị đảo chiều sang giảm.

Nến Shooting Star

Shooting star (nến bắn sao) có hình dáng gần giống nến búa ngược, với phần thân nhỏ nằm ở phía dưới, râu dưới ngắn hoặc gần như không có, râu trên dài gấp 2-3 lần thân nến. Tuy nhiên, điểm khác biệt là nến sao băng thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng, còn nến búa ngược lại xuất hiện ở cuối xu hướng giảm.

Ý nghĩa

Shooting star với râu nến trên dài cho thấy trong phiên phe mua đã cố gắng kiểm soát tình hình đẩy giá lên nhưng không thành công và bị phe bán đẩy giá xuống gần mức giá mở cửa. Mẫu hình nến này cho thấy tín hiệu đảo chiều tăng sang giảm mạnh mẽ.

Nến Doji bia mộ

Nến Doji bia mộ có phần thân nhỏ, gần như là một đường thẳng nằm ngang do giá đóng cửa trùng với giá mở cửa, râu nến trên dài, râu nến dưới ngắn hoặc gần như không có. Nến Doji bia mộ thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng hoặc vùng kháng cự mạnh, cung cấp tín hiệu đảo chiều giảm.

Ý nghĩa

Nến Doji bia mộ cho thấy phe bán đang cố gắng đẩy giá xuống, giá đóng cửa bị đẩy xuống bằng đúng mức giá thấp nhất. Tuy nhiên, lúc này nhà đầu tư chưa nên bán ngay mà hãy đợi có sự xác nhận của cây nến giảm mạnh phía sau.

Nến Bearish Engulfing

Bearish Engulfing (nến nhấn chìm giảm) là cụm nến nhật đôi, với cây nến đầu tiên là cây nến tăng nhỏ (nếu là nến Doji hoặc spinning top thì tín hiệu càng mạnh). Cây nến thứ 2 là cây nến giảm mạnh, thân lớn nhấn chìm toàn bộ cây nến đầu tiên. Mô hình nhấn chìm giảm thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng.

Ý nghĩa

Bearish Engulfing cho thấy phe mua vẫn nỗ lực đẩy giá lên cao trong cây nến thứ nhất, nhưng sang cây nến thứ 2 phe bán đã hoàn toàn kiểm soát thị trường khi có thân nến lớn, bao trùm toàn bộ cây nến phía trước. Khi đó giá sẽ chuẩn bị đi theo đà giảm mạnh mẽ.

Nến Evening star

Evening Star (nến sao hôm) là cụm 3 nến Nhật với đặc điểm là cây nến đầu tiên là nến tăng lớn, cây nến thứ 2 là có thân nến nhỏ như nến Doji hoặc spinning top, cây nến thứ 3 là nến đỏ với phần thân dài. Cây nến thứ 3 có đặc điểm thân không vượt xuống dưới mức giá mở cửa của nến 1.

Ý nghĩa

Mô hình Evening star xuất hiện cho thấy sự cạn kiệt đà tăng của phe mua sau thời gian dài duy trì xu hướng. Điều này được thể hiện thông qua cây nến do dự ở giữa. Sau sự do dự này thì , phe bán đã chiếm được ưu thế và đẩy giá xuống thấp. Đây là tín hiệu cho thấy sự đảo chiều tăng sang giảm.

Mô hình nến 3 con quạ đen

Nến ba con quạ đen (Three Black Crows) là mô hình gồm 3 nến giảm liên tiếp có thân dài, bóng ngắn. Giá mở cửa của nến sau phải nằm trên hoặc ngang bằng với giá đóng cửa của nến trước. Cụm 3 nến giảm xuất hiện ở mọi giai đoạn của thị trường nhưng chỉ cung cấp tín hiệu giảm nếu xuất hiện cuối xu hướng tăng.

Ý nghĩa

Nến ba con quạ đen cho thấy xu hướng tăng hoặc xu hướng đi ngang đã kết thúc và giá chuẩn bị giảm mạnh mẽ.

Cách giao dịch với các mô hình nến đảo chiều

Dựa vào tín hiệu mà mô hình nến đảo chiều cung cấp, nhà đầu tư có thể dự đoán xu hướng giá tiếp theo và mở vị thế mua hoặc bán để đón đầu xu hướng. Giao dịch đảo chiều tuy không an toàn bằng thuận xu hướng nhưng nếu dự đoán chính xác, nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận vô cùng lớn. 

Sau đây là một số bước giao dịch với mô hình nến đảo chiều.

Bước 1: Xác định và đánh giá xu hướng 

Như đã nói ở trên thì chiến lược giao dịch đảo chiều khá rủi ro, nên việc đầu tiên nhà đầu tư cần phải xác định xu hướng chính trên thị trường đang là tăng hay giảm và đã có dấu hiệu suy yếu hay chưa. Nếu xu hướng chính vẫn đang mạnh thì tuyệt đối không giao dịch đảo chiều bởi rủi ro khá lớn.

Để xác định xu hướng, nhà đầu tư có thể quan sát ngay trên biểu đồ hoặc sử dụng đường trendline, kênh giá. Đồng thời xu hướng này cần phải được xác nhận trên nhiều khung thời gian khác nhau.

– Bước 2: Xác định nến đảo chiều và vị trí xuất hiện

Dựa vào đặc điểm của từng mẫu hình nến đảo chiều, nhà đầu tư có thể nhận dạng chính xác từng mô hình nến. Tuy nhiên, các mô hình nến đảo chiều chỉ cho tín hiệu chính xác khi xuất hiện tại những vùng giá quan trọng hoặc vùng kháng cự, hỗ trợ mạnh.

– Bước 3: Kết hợp với các công cụ khác

Thông thường các nhà đầu tư theo trường phái price action sẽ vào lệnh ngay sau khi xuất hiện nến tín hiệu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhà đầu tư nên kết hợp với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để xác nhận tín hiệu đảo chiều như:

  • Các chỉ báo kỹ thuật RSI, MACD, Bollinger Band…
  • Các mô hình giá vai đầu vai, mô hình 2 đỉnh, 2 đáy….
  • Cây nến xuất hiện sau mô hình nến đảo chiều.

Bước 4: Thực hiện giao dịch

  • Vào lệnh mua khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều tăng để đón đầu xu hướng. Ngược lại, khi xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm nhà đầu tư có thể xem xét bán chốt lời.
  • Đặt cắt lỗ (stop loss) cách đỉnh/đáy gần nhất của các mẫu hình nến đảo chiều.

II/ Mô hình tiếp tục (Continuation Pattern)

Mô hình tiếp tục hay Continuation Pattern là tên gọi chung của những mô hình dự đoán giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng hiện tại nếu như biểu đồ xuất hiện mô hình.

Những mô hình thường được dùng trong nhóm mô hình này là Mô hình Tam giác (Triangle Pattern), Mô hình Lá cờ (Flag Pattern), Mô hình Cờ đuôi nheo (Pennant Pattern) và Mô hình Chữ nhật (Rectangle Chart Pattern).

Ý nghĩa

Xu hướng tiếp tục sau điểm nghỉ

Tên gọi thể hiện rằng xu hướng giá có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng sau khi hoàn thành mô hình. Thế nhưng giá vẫn có thể đảo chiều sau khi xuất hiện mô hình hoàn thiện, mặc dù khả năng không cao.

Mô hình tiếp tục rất hiệu quả khi trước đó là một xu hướng mạnh mẽ, đó chỉ là một điểm nghỉ chân của xu hướng. Ví dụ trường hợp giá đang có chiều tăng rất tốt, sau đó hình thành một mô hình lá cờ nhỏ rồi giá nhanh chóng phá ngưỡng kháng cự trên và tiếp tục chiều tăng.

Xu hướng đảo ngược

Tuy nhiên nếu mô hình xuất hiện có cùng kích cỡ với một vài dao động trước đó thì điều này chứng tỏ biên độ dao động đang tăng. Xu hướng sẽ không còn rõ ràng, trở nên bất ổn định và xuất hiện những dấu hiệu cho thấy điểm đảo chiều so với xu hướng hiện tại.

Lưu ý xu hướng không rõ ràng

Nếu xu hướng không có độ dốc, liên tục xuất hiện mô hình tiếp tục, thì chúng sẽ không thể áp dụng mô hình này. Chúng chỉ hoạt động hiệu quả trên một xu hướng mạnh và rõ rệt.

Một xu hướng mạnh chứng tỏ giá đang bị phụ thuộc mạnh vào một bên giao dịch, và không dễ gì để phá vỡ xu hướng đó. Điều này đồng nghĩa rằng nếu có đột biến xảy ra mà giá đảo chiều thì bạn rất dễ dàng nhận ra.

Mô hình tam giác:

Các mô hình tam giác nói chung được tạo nên bởi sự giao nhau của các đường xu hướng tăng giá và xu hướng giảm giá.

Có 3 mẫu biểu đồ tam giác:

  • Mô hình tam giác tăng
  • Mô hình tam giác giảm
  • Mô hình tam giác cân.

Mô hình cờ đuôi nheo (Pennant)

Là một mô hình giá tiếp diễn, dự báo giá sẽ tiếp tục đi theo một xu hướng tăng hoặc giảm mạnh trong ngắn hạn đã được hình thành trước đó.

Sau một đợt chuyển động mạnh của giá, mô hình pennant xuất hiện ở thời kỳ giá bắt đầu chậm lại và dao động trong phạm vi hẹp, tạo thành hình tam giác (nên được gọi là Cờ đuôi nheo), sau đó, giá bắt đầu phá vỡ mô hình và tiếp tục di chuyển theo xu hướng mạnh mẽ ban đầu.

Phụ thuộc vào hướng di chuyển của giá mà mô hình cờ đuôi nheo được chia thành 2 loại Bullish Pennant (Cờ đuôi nheo tăng giá) và Bearish Pennant (Cờ đuôi nheo giảm giá).

Mô hình lá cờ (Flag)

Là mô hình giá tiếp diễn, được tạo thành khi thị trường di chuyển mạnh về một hướng sau đó bắt đầu tích lũy trong biên độ hẹp. Đúng như tên gọi, mô hình gồm 2 thành phần là “cột cờ” (xu hướng ban đầu) và phần “lá cờ” (Giai đoạn tích lũy ). Có 2 dạng Flag là Bullish Flag (Cờ tăng) báo hiệu xu hướng tăng tiếp diễn và Bearish Flag (Cờ giảm) báo hiệu xu hướng giảm tiếp diễn.

Mô hình hình chữ nhật

Mô hình giá Hình chữ nhật được hình thành sau một xu hướng tăng hoặc giảm rõ rệt trước đó, bao gồm 2 đường xu hướng nằm ngang và song song nhau.

Mô hình hình chữ nhật có thể cung cấp tín hiệu đảo chiều hoặc tiếp diễn xu hướng trước đó. Nhà đầu tư chỉ biết chính xác giá sẽ tăng hay giảm sau khi nó thật sự phá vỡ mô hình.

Chiến lược giao dịch mô hình giá tiếp tục:

Bước 1: Xác định xu hướng

Bước 2: Xác định mô hình giá tiếp tục, tìm điểm phá vỡ và thực hiện lệnh theo cùng xu hướng.

Bước 3: Xác định điểm cắt lỗ, chốt lời.

Cắt lỗ có thể đặt bên ngoài mô hình giá, tại vị trí đối diện với điểm phá vỡ.

Quy tắc chung của các mô hình tiếp diễn:

  • Mô hình tiếp diễn càng lớn thì biến động giá tiếp theo đó càng đáng kể. Chiều cao của mô hình giá cho thấy sự biến động còn chiều rộng của mô hình giá cho thấy thời gian để tạo thành nó.
  • Mô hình giá càng mất nhiều thời gian để tạo thành thì càng có vai trò quan trọng.
  • Xu hướng tiếp diễn cần được xác nhận bởi khối lượng giao dịch. Sự sụt giảm khối lượng giao dịch xác nhận rằng một mô hình giá đang được tạo thành; khối lượng cần tăng lên trước và ngay sau điểm phá vỡ.
  • Dấu hiệu đảo chiều đầu tiên là sự phá vỡ một đường xu hướng quan trọng.
  • Tạo thành một mô hình tiếp diễn mất ít thời gian hơn một mô hình đảo chiều.

Các mẫu hình và các mô hình nến sẽ hoạt động hiệu quả hơn và cho kết quả chính xác hơn khi kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác. Hi vọng với những kiến thức trên đây đã giúp bạn đọc có một số khái niệm và phương thức giao dịch để nhận diện xu hướng của cổ phiếu hoặc hợp đồng tương lai (phái sinh) để từ đó có thể dễ dàng đưa ra các quyết định tiếp tục nắm giữ các vị thế hoặc mở vị thế mua mới, đóng vị thế đã mở.

Chúc bạn luôn giao dịch thành công!

Mới cập nhật

  • LÀM GÌ KHI THỊ TRƯỜNG BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

    LÀM GÌ KHI THỊ TRƯỜNG BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

    Đầu tư là một quá trình dài hạn và không nên đánh giá thành công hoặc thất bại dựa trên một phiên giao dịch duy nhất. Hãy kiên nhẫn và kiên trì trong việc theo đuổi kế hoạch đầu tư.

  • Cách đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán

    Cách đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán

    Đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán là cần thiết, trước khi ra quyết định mua bất kỳ cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần xác định được cơ hội cũng như rủi ro của mã cố phiếu đó thông qua các tiêu chí cơ bản. Sau khi đã chọn được cổ phiếu tiềm năng, nhà đầu tư cần xác định điểm mua hợp lý.

  • TÌM HIỂU VỀ THUẾ VAT VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

    TÌM HIỂU VỀ THUẾ VAT VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

    Thuế VAT là một loại thuế tiêu dùng áp dụng trên hàng hóa và dịch vụ ở mức độ phân phối và tiêu dùng cuối cùng. Tức là, khi sản phẩm hoặc dịch vụ được bán cho người tiêu dùng cuối cùng, mức thuế VAT sẽ được tính và thu vào ngân sách nhà nước.