PHÂN TÍCH BIỂU ĐỒ NẾN NHẬT

Phân tích kỹ thuật là dự báo về biến động giá trong tương lai dựa trên việc xem xét các biến động giá trong quá khứ. Giống như dự báo thời tiết, phân tích kỹ thuật không đưa ra dự đoán tuyệt đối về tương lai. Thay vào đó, phân tích kỹ thuật có thể giúp các nhà đầu tư dự đoán những gì “có khả năng xảy ra” với giá theo thời gian.

Từ năm 1500 – 1600, Nhật Bản là nước xảy ra nhiều cuộc nội chiến khốc liệt, dưới sự lãnh đạo của các tướng  Nobunaga Oda, Hideyoshi Toyotomi và Leyasu Tokugawa cuối cùng đã thống nhất Nhật Bản. Sau đó, gia đình Takugawa cai trị đất nước từ năm 1615 - 1867 và kể từ đó những quy tắc, chiến thuật nến được sử dụng rộng rãi trong quân đội Nhật qua nhiều thế kỷ. Các thuật ngữ nến gắn liền chiến tranh như: ba chú lính, bia mộ, người treo cổ...được phố biến trong phân tích kỹ thuật như ngày nay.

Trước thế kỷ 17, thị trường gạo đã vượt ra khỏi sự mua bán trong nội bộ ở địa phương thành quy mô cả quốc gia, mở đường cho Trung tâm mua bán gạo được thành lập vào năm 1710. Khi đó, nghề môi giới gạo trở thành nền tảng của sự thịnh vượng ở Osaka hơn bao giờ hết. Việc mua bán gạo được ghi lại qua các biên nhận và trở thành hợp đồng tương lai đầu tiên được thực hiện.

Munehisa Homma sinh năm 1724 và làm chủ doanh nghiệp kinh doanh gạo tại thành phố Sakata vào năm 1750. Sau đó, ông mở rộng giao dịch với Trung tâm mua bán lớn nhất Nhật Bản ở Osaka. Để hiểu sâu sắc tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường gạo ông đã tiến hành phân tích dữ liệu giá gạo trong quá khứ, thiết lập các hệ thống giao dịch riêng cho mình. Sau khi thống lĩnh thị trường gạo tại Osaka ông tham gia giao dịch với thị trường gạo tại Edo (bây giờ là Tokyo). Tại đây ông liên tiếp giành được thắng lợi lớn và tích lũy được một tài sản khổng lồ và sau đó trở thành cố vấn của Chính phủ được phong tước vị Samurai. Homma mất năm 1803, sách của ông được người ta vận dụng phổ biến trong thị trường gạo tại Nhật Bản và phân tích kỹ thuật biểu đồ nến là công cụ cần thiết trong các giao dịch mua bán gạo.

Mô hình nến sau đó được nghiên cứu và đưa vào vận dụng, càng được biết đến rộng rãi hơn khi Steve Nison một người Mỹ có công nghiên cứu các nguyên tắc vận động của mô hình nến đưa nó vào trong  cuốn sách đầu tiên của ông với tựa đề "Japanese Candlestick Charting Techniques".

II.Cấu tạo một cây nến

Mô hình nến là một hình vẽ thể hiện sự thay đổi giá trong một khung thời gian xác định và được biểu thị bằng một hình cây nến với 2 phần chính là thân nến và bóng nến (bấc nến).

Phần thân nến thường có màu trắng/đen (hoặc xanh/đỏ) thể hiện xu hướng tăng/giảm và phần bóng nến ở bên trên và bên dưới thân nến. Phần thân nến nằm giữa mức giá mở cửa và giá đóng cửa, trong khi phần bóng nến nằm giữa giá cao nhất hoặc thấp nhất trong 1 phiên giao dịch.

  • Nến có màu trắng/xanh là nến tăng (bull) biểu thị giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa.
  • Nến có màu đen/đỏ là nến giảm (bear) biểu thị giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa.

III. Ý nghĩa các mẫu hình nến đơn

1.Mô hình nến cơ bản ( Long – Short )

Trong mô hình nến này, thân nến biểu thị biên độ giao động của giá, thân nến càng dài thì biên độ giao động giá càng lớn, thân nến càng nhỏ thì biên độ giao động giá càng nhỏ

Phần bóng nến cao hoặc thấp hơn phần thân nến một chút

Nến trắng/xanh thể hiện sức mua : Thân càng dài, sức mua càng mạnh, là dấu hiệu người mua kì vọng cao vào thị trường lên.

Nến đen/đỏ thể hiện sức bán : Thân càng dài, sức bán càng mạnh, là dấu hiệu người bán kì vọng cao vào thị trường xuống.

Ví dụ : Biểu đổ nến của mã Cổ phiếu POW (15/06/2022) thể hiện một cây nến đỏ có phần bóng kéo nhẹ về hai đầu cùng với volume thấp đang biểu thị lực bán đang nhỉnh hơn, và giá đang giảm nhẹ. Tương tự với nến tăng (xanh)

  1. Mô hình nến Marubozu

Nến chỉ có thân mà không có bóng nến, điều này có nghĩa đang xác nhận một xu thế rất mạnh, bên mua mạnh hơn ( nến trắng/xanh ), bên bán mạnh hơn ( nến đen/đỏ )

Không có dấu hiệu giá bị đè, hoặc kéo khi các lệnh đều được xác nhận theo xu thế tăng hoặc giảm, nên trong chu kỳ nếu xuất hiện nến như thế này thì có nghĩa là chu kỳ được củng cố

Hình ảnh minh họa cho một cây nến Marubozu xanh thể hiện sức mạnh của bên mua và củng cố đà tăng

3. Mô hình nến Spinning Top

Mô hình nến Spinning top gồm những cây nến có cùng một thân ngắn nằm giữa bóng nến trên và dưới có chiều dài bằng nhau.

Mô hình nến Spinning top cho thấy sự thiếu quyết đoán trên thị trường, dẫn đến không có thay đổi có ý nghĩa về giá: Phe mua muốn giá cao hơn, trong khi phe bán đẩy giá xuống thấp trở lại.

Spinning top thường được hiểu là giai đoạn củng cố, hoặc đoạn cuối của một xu hướng tăng hoặc giảm đáng kể. Bản thân Spining top là một tín hiệu tương đối trung lập, nhưng chúng có thể được hiểu là một dấu hiệu áp lực thị trường hiện tại đang mất kiểm soát, dẫn tới sắp có biến động lớn.

     Hình ảnh minh họa một cây nến dạng Spinning top thể hiện thị trường đang có nhiều biến động

4. Mô hình nến Doji      

Khi một thị trường mở và đóng gần như ở cùng một mức giá, nến giống như chữ thập hoặc dấu cộng – thânnến rất ngắn hoặc không có thân nến, bóng nến có thể dài ngắn khác nhau.Mẫu doji này thể hiện sự đấu tranh giữa người mua và người bán dẫn đến không có lợi nhuận cho cả hai bên.

Mô hình nến Doji xuất hiện khi mức giá đóng cửa xấp xỉ mức giá mở cửa. Nến Doji trông như 1 gạch ngang nằm giữa phạm vi giá, là dấu hiệu cho thấy người mua và người bán đang do dự.

        Hình ảnh minh họa một loạt nến có dạng Doji, thể hiện sự lưỡng lự giữa cả bên mua và bán

5.Mô hình nến Dragonfly Doji

Mô hình nến Dragonfly Doji là mô hình nến đơn, khi mô hình nến Dragonfly Doji xuất hiện trong xu hướng giảm thì cảnh báo xu hướng có thể đảo chiều thành xu hướng tăng.

Nhận dạng Dragonfly Doji: Không có thân nến, giá mở cửa và đóng cửa trùng nhau và chính là giá cao nhất trong phiên; bóng dưới dài

Ý nghĩa của Drogonfly Doji:

Khi thị trường mở cửa, phe bán đã kiểm soát hoàn toàn và đẩy giá xuống rất thấp

Ở đỉnh điểm của phe bán (lúc giá thấp nhất), áp lực mua khổng lồ xuất hiện đẩy giá lên lại và đóng cửa ngay tại giá mở cửa cũng chính là giá cao nhất

Mô hình nến Drogonfly Doji cho thấy phe mua kiểm soát hoàn toàn trong những phiên giao dịch sau, bóng dưới càng dài càng thể hiện lực mua mạnh, khả năng đảo chiều xu hướng càng cao

Hình ảnh minh họa nến dạng Dragonfly Doji thể hiện có lực mua và 2 phiên sau đảo chiều tăng lại

  1. Mô hình nến Gravestone Doji

Mô hình nến Gravestone Doji là mô hình nến đơn, khi mô hình nến Gravestone Doji xuất hiện trong xu hướng tăng thì cảnh báo xu hướng có thể đảo chiều thành xu hướng giảm.

Nhận dạng mô hình nến Gravestone Doji: Không có thân nến, giá mở cửa và đóng cửa trùng nhau và chính là giá thấp nhất trong phiên; Bóng trên dài

Ý nghĩa của mô hình nến Gravestone Doji:

Khi thị trường mở cửa, phe mua đã kiểm soát hoàn toàn và đẩy giá lên rất cao

Ở đỉnh điểm của phe mua (lúc giá cao nhất), áp lực bán khổng lồ xuất hiện đẩy giá xuống lại và đóng cửa ngay tại giá mở cửa cũng chính là giá thấp nhất

Mô hình nến Gravestone Doji cho thấy phe bán kiểm soát hoàn toàn trong những phiên giao dịch sau, bóng trên càng dài càng thể hiện lực bán mạnh, khả năng đảo chiều xu hướng càng cao

Hình ảnh ví dụ về cây nến Bia mộ xuất hiện, biểu thị việc bên bán có dấu hiệu bán ra, làm giá giảm bằng giá lúc mở cửa, và xu hướng có dấu hiệu đảo chiều giảm

  1. Mô hình Hammer and Hanging man

Đặc trưng của mẫu nến Hammer hoặc Hanging man là thân nến ngắn, bóng nến trên cũng rất ngắn hoặc không có, trong khi bóng nến dưới rất dài, ít nhất phải dài gấp đôi thân nến.

Mô hình nến Hammer thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, thể hiện sự nỗ lực hồi phục của giá. Mô hình này mang tín hiệu tích cực hàm ý cho thấy sự từ chối đạt các ngưỡng giá thấp hơn, áp lực bán đã kết thúc. Mẫu nến Hammer có thể là xanh hoặc đỏ, nếu là hammer đỏ thì tín hiệu đảo chiểu sẽ yếu hơn.

Tương tự với mẫu nến Inverted Hammer cũng dự báo sự đảo chiều trong xu hướng giảm trước đó nhưng cần phải quan sát thêm để ra quyết định, vì tín hiệu yếu chưa chắc chắn

Ngược lại, mô hình nến Hanging man lại thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng. Nó thể hiện bên mua đang chiếm ưu thế nhưng bên bán có một số lượng lớn nhà đầu tư đang bán tháo tạo ra bóng nến rất dài, nhiều khả năng thị trường sẽ đảo chiều.

Mô hình nến Hanging man có thể có màu xanh hoặc đỏ. Theo các chuyên gia phân tích kỹ thuật mẫu nến hanging man màu xanh hàm ý tín hiệu yếu hơn so với mẫu màu đỏ.

Ý nghĩa : Nến Hanging Man dự báo dấu hiệu đảo chiều giảm giá trong 1 xu hướng tăng trước đó. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần chờ đợi phiên giao dịch tiếp theo kết thúc để ra quyết định trước khi vào lệnh. Dấu hiệu thể hiện thị trường giảm là nến giảm giá mạnh ngay phía sau nến Hanging Man hoặc có một khoảng nhảy giảm giá (gaps down).

Hình ảnh mô phỏng nến Hammer, thể hiện dấu hiệu đảo chiều nhẹ, và tăng lại các phiên sau đó

Hình ảnh mô phỏng nến Hanging man, thể hiện kết thúc quá trình tăng giá, báo hiệu đảo chiều giảm

  1. Mô hình Shooting star

Ngược lại với Hangingman là mô hình nến Shooting star là nến có hình dạng giống Inverted Hammer nhưng hoàn toàn khác nhau về tính chất. Nến Shooting Star xuất hiện trong thị trường có xu hướng tăng và thông báo khả năng tạo đỉnh của xu hướng đó.

Ý nghĩa : Nến Shooting Star thường xuất hiện trong xu hướng tăng báo hiệu dấu hiệu đảo chiều cực kì mạnh, có nghĩa là các nhà đầu tư đang tìm vùng giá tốt để gia nhập thị trường và hình thành áp lực bán đè lên áp lực mua trước đó. Thể hiện dấu hiệu đảo chiều và giảm giá xuất hiện.

Lưu ý : Đối với nến Hangging Man – Shooting Star đều cần phải quan sát thêm các chỉ báo khác vì thời điểm mở cửa và đóng cửa là lúc có khối lượng giao dịch lớn nhất. Khi bên mua thực hiện hành động mua tại giá mở cửa và giá đóng cửa của phiên giao dịch, nếu phiên giao dịch tiếp theo giá giảm mạnh sẽ gây tâm lý hoảng loạn cho bên mua và khiến bên mua ở vị thế thua lỗ. Giá càng giảm mạnh, bên mua có tâm lý nhanh chóng kết thúc giao dịch để chốt lỗ cho giao dịch họ đã dặt, vì thế càng làm tăng áp lực bán ra.

Hình ảnh minh họa nến shooting star, báo hiệu đảo chiều mạnh, trong các phiên tiếp theo xuất hiện lực bán làm giảm giá xuống  gần 20% chỉ trong 8 phiên kế tiếp

IV.Ý nghĩa các mẫu hình nến đôi

1.Engulfing ( Nhấn chìm )

Mô hình nến Engulfing được xem là mô hình nến báo hiệu cho việc đổi chiều xu hướng vì vậy có 2 dạng mô hình nến Engulfing, đó là Mô hình nến Bullish Engulfing và Bearish Engulfing

- Mô hình nến Bullish Engulfing

Mô hình nến Bullish Engulfing (hay còn gọi là mô hình nến nhấn chìm tăng) là mô hình cặp hai cây nến ngược nhau xảy ra trong xu hướng giảm, cụ thể như sau:

  • Nến đầu tiên là một nến giảm và có thể là một nến Doji
  • Nến kế tiếp là một nến tăng và có thân nến dài hơn nến phía trước. Nến Tăng có giá mở cửa và giá ở đáy nến thấp hơn giá đóng cửa của nến giảm trước nó, Đỉnh của nến tăng có giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa của cây nến giảm trước nó

Ý  nghĩa : Đây là mô hình biểu hiện cho sự đảo chiều mạnh mẽ hoặc ít nhất là tín hiệu để nhận biết giúp giao dịch có tỉ lệ thắng cao hơn. Lý do là trong một quá trình  giảm giá mạnh liên tục mà chủ yếu là bởi tâm lý hoản loạn của nhà đầu tư thì lực bán ra càng ngày càng giảm và gần như không còn lực bán hoặc giá đã giảm về vùng hấp dẫn, khi đó xuất hiện lực mua mạnh và bên bán gần như yếu thế, và giá sẽ bắt đầu đảo chiều và tăng trở lại

Mẫu hình khá rõ bullish engulfing khi nến tăng xuất hiện sau nến giảm báo hiệu đảo chiều, kết thúc giảm

- Mô hình nến Bearish Engulfing

Tương tự mô hình nến Bullish Engulfing nến Bearish Engulfing (hay còn gọi là mô hình nến nhấn chìm giảm) là mô hình cặp hai cây nến ngược nhau nhưng xảy ra trong xu hướng tăng dự báo dấu hiệu đảo chiều bắt đầu giảm. Sau chu kỳ tăng giá xuất hiện một nến giảm bao trùm nến tăng của phiên trước đó, kèm theo giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa của phiên trước đó. Báo hiệu tín hiệu đảo chiều

Mô hình Bearish Engulfing xuất hiện nến giảm bao trùm nến tăng của phiên trước đó, báo hiệu cho việc thay đổi xu hướng tăng thành giảm

  1. Mô hình Dark cloud cover ( Mây đen bao phủ )

Dark Cloud Cover (Mây đen bao phủ) là một trong những mô hình nến Nhật đảo chiều khá phổ biến trong  thị trường tài chính nói chung và hàng hóa nói riêng. Tuy mô hình này không cho tín hiệu mạnh như mẫu Bearish Engulfing nhưng lại xuất hiện liên tục trên biểu đồ và nếu nắm bắt tốt được thông tin của mẫu hình nến này sẽ giúp nhà đầu tư thoát lệnh kịp thời và chuẩn bị cho một xu hướng mới

Mô hình Dark Cloud Cover đã được mô tả  với đặc điểm nhận dạng như sau:

  • Nến đầu tiên: Là một nến tăng có thân dài
  • Nến thứ hai: Không nhất thiết giá mở cửa phải nằm phía trên nến thứ nhất nhưng phải là nến giảm và có giá đóng cửa dưới mức 50% cây nến thứ nhất.

Ý nghĩa: Mô hình Dark Cloud Cover được tạo ra bởi diễn biến tâm lý như sau:

  • Thị trường hàng hóa đang đi lên và tiếp tục tăng mạnh, phe mua với sự hưng phấn đã tạo ra một cây nến thân rất dài và kết quả là một đỉnh mới đã được tạo ra, có vẻ như phe mua đang nắm thế chủ động.
  • Tuy nhiên sau đó giá đã bất ngờ gặp phải lực bán ngược chiều, đẩy giá đi khá xa, xuống thấp hơn mức 50% của cây nến đầu tiên. Đến lúc này, thị trường đã từ chối đỉnh được tạo ra trước đó và cho thấy phe bán vẫn còn đủ sức để làm chủ tình thế.
  • Và khi mô hình đã hoàn thành, thì những người đứng ngoài sẽ hoài nghi liệu giá có còn đủ mạnh để tiếp tục xu hướng, những người đã mua sẽ cảm thấy bối rối khi giá đi ngược nhận định của họ, tâm lý lưỡng lự sẽ xuất hiện

Mô hình Dark Cloud Cover thể hiện một xu hướng giảm rõ rệt, nến giảm có giá close thấp hơn 50% nến tăng trước đó, tín hiệu khá rõ

3.Mô hình Piercing ( Đâm thủng )

Mô hình nến Piercing là phiên bản đảo ngược của Mô hình nến Dark Cloud Cover. Đây cũng là một trong những Mô hình nến Nhật báo hiệu sớm kết thúc xu hướng giảm giá để bắt đầu một xu hướng mới, có thể là tăng giá hoặc đi ngang (Sideway).

Đặc điểm nhận dạng của Mô hình nến Bullish Piercing Line:

  • Xuất hiện ở cuối của xu hướng giảm giá.
  • Nến thứ nhất là một nến giảm Bearish lớn
  • Nến thứ hai là một nến tăng Bullish với chiều dài thân nến tối thiểu bằng 50% nến thứ nhất.

Ý nghĩa : tương tự mô hình nến Dark Cloud Cover nến Priercing cho thấy đã xuất hiện phe mua chống lại xu hướng giảm mạnh trước đó và làm cho phe bán bắt đầu bối rối khi giá tăng ngược trở lại.

Mẫu hình Piercing xác nhận khi xuất hiện cặp nến tăng và giảm, nến tăng xuất hiện sau nến giảm, giá close cao hơn 50% thân của nến giảm phiên trước đó, dấu hiệu đảo chiều tăng, nhưng cần quan sát thêm để chắc chắn xác nhận xu hướng mới

Hình ảnh minh họa cặp nến piercing pattern báo hiệu dấu hiệu đảo chiều, và các phiên sau đã xác nhận đúng tính hiệu này, giá đã tăng trở lại

  1. Mô hình Harami (trong tiếng Nhật là “bà bầu”)

Harami  là một mẫu nến đảo chiều, nó bao gồm 2 nến cơ bản::

  • Nến 1: là nến tăng hoặc giảm lớn
  • Nến 2: là nến tăng hoặc giảm nhỏ

4.1 Mô hình Bullish Harami

Bullish Harami là mô hình có nến 1  giảm mạnh có thân nến lớn và nến 2 tăng nhẹ có thân nến nhỏ nằm trọn trong nến 1.

Ý nghĩa: trong xu hướng giảm, một nến giảm dài xuất hiện nhấn mạnh bên bán vẫn đang kiểm soát. Tuy nhiên, thay vì giá xuống thấp thì giá lại tạo gap tăng tại nến thứ 2. Trong nến thứ 2 giá đã dao động nên xuống nhẹ cho thấy ko bên nào thắng thế. Sự do dự của Harami chỉ ra rằng giá có thể đi sideway hoặc đảo chiều đi lên vì bên bán đã dần kiệt sức.

Hình ảnh minh họa sự xuất hiện của cặp nến Bullish Harami, nến tăng nhẹ nằm trọn trong nến giảm, báo hiệu khả năng có thể đảo chiều thị trường, và tăng giá do lực bán đã suy yếu

Hình ảnh minh họa cặp nến gần giống với mẫu hình Bullish Harami, khi nến tăng nhẹ nằm trọn trong nến giảm báo hiệu giá có thể đảo chiều và thực tế giá trong các phiên tiếp theo có tăng nhẹ và duy trì sideway

4.2 Mô hình Bearish Harami

​Ngược lại với Bullish Harami là 1 cặp nến có nến 1 tăng mạnh và nến 2 giảm nhẹ thế hiện bên mua đã dần kiệt sức trong 1 xu hướng tăng và dự báo giá có thể đi sideway hoặc đảo chiều giảm giá.

Hình ảnh minh họa cặp nến Bearish Harami sau đó đảo chiều giảm nhẹ và sideway các phiên tiếp theo

V.Ý nghĩa các mẫu hình nến ba và nhiều hơn

1.Mô hình 3 chàng lính ( three soldiers )

Mô hình 3 chàng lính là một mô hình khá dễ tìm thấy, vì nó thường tạo thành với ba thanh nến lớn. Dưới đây là các tiêu chí cho mô hình: Có ba nến tăng. Cả ba đều đóng cửa ở một phần tư trên của phạm vi giá. Tốt hơn là có bấc dưới nhỏ. Cách giải thích thường thấy của mô hình 3 chàng lính là nó báo hiệu sự đảo chiều của xu hướng giảm mà nó hình thành.

Sau một quá trình giảm thì xuất hiện 3 nến tăng liên tục có giá đóng cửa cao hơn ¼ so với phạm vi giá, báo hiệu sự đảo chiều và xu hướng tăng trở lại

Hình ảnh minh họa mô hình nến 3 chàng lính, báo hiệu tín hiểu đảo chiều tăng mạnh

  1. Mô hình 3 con quạ ( three crows )

Mô hình 3 con quạ khá bắt mắt và có xu hướng hình thành với phạm vi giá khá lớn. Dưới đây là những điều kiện cần phải có để mô hình 3 con quạ hình thành: Phải có ba cây nến giảm. Cả ba sẽ đóng ở phần tư thấp hơn của phạm vi giá. Các bấc phía trên không được lớn lắm. Quan điểm chung là mô hình 3 con quạ báo hiệu là xác nhận sự đảo ngược xu hướng giảm.

Sau khi xuất hiện 3 nến giảm trong đó các nến giảm với bóng nến trên dài, xác nhận xu hướng giảm với lực bán mạnh kéo tuột giá xuống,xu hướng giảm bắt đầu xảy ra

Hình ảnh mô tả thưc tế mẫu nến 3 con quạ xác nhận xu thế giảm và trong thực tế là giảm khá mạnh

  1. Mô hình 2 đáy ( Double bottom )

Đáy đôi là một trong những mẫu biểu đồ phổ biến nhất. Hình dạng thể hiện một chữ W không đồng đều với mức thấp thứ hai luôn cắt dưới mức thấp đầu tiên. Giá kéo trở lại và tạo ra mức thấp đầu tiên, đảo chiều và có xu hướng đi lên cho đến khi nó chạm ngưỡng kháng cự, sau đó cổ phiếu sẽ quay đầu tăng trở lại nhưng lần này cắt giảm mức giảm đầu tiên. Sau đó, cổ phiếu hướng về phía kháng cự của nó, đó là nơi giữa của chữ W.

Đỉnh ở giữa đường W là mức kháng cự của bạn mà bạn đang tìm cách phá vỡ sau khi xuất hiện từ mức thấp thứ hai. Để tìm điểm mua chính thức, bạn thêm 10 xu vào mức kháng cự đó. Khi giá vượt qua ngưỡng kháng cự, bạn muốn khối lượng giao dịch trên mức trung bình để có cơ hội thành công cao hơn.

Mô hình hai đáy được hình thành trong tối thiểu 7 tuần và sau xu hướng tăng trước đó ít nhất 30%. Độ sâu của đáy từ đỉnh của xu hướng tăng trước đó đến đáy của mức thấp thứ hai phải từ 40% trở xuống.

  1. Mô hình 3 đáy ( Tripple bottom )

Tuy không phổ biến như mô hình 2 đáy hay mô hình 2 đỉnh nhưng Triple Bottom vẫn được coi là mô hình có tỷ lệ thành công cao, thậm chí chỉ đứng sau mô hình vai đầu vai. Đặc biệt với cấu tạo đặc biệt nên dễ dàng nhận dạng trên biểu đồ.

Trước khi hình thành đáy thứ 3 thì mô hình nến này thường có hình dạng giống mô hình 2 đáy (Double Bottom). Cụ thể:

  • Giá đang trong một xu hướng giảm kéo dài, thị trường đảo chiều tăng và hình thành đáy 1 (Bottom 1). Sau đó, giá tiếp tục tăng rồi quay đầu giảm tạo đỉnh 1.
  • Tiếp đó, cung trên thị trường vẫn tăng nên giá quay đầu đi xuống và tạo đáy thứ 2 (Bottom 2).
  • Tương tự như vậy cho đến khi tạo nên đáy thứ 3 (Bottom 3) gần bằng 2 đáy trước. Đường nằm ngang đi qua 3 đáy chính là đường hỗ trợ.
  • Đường thẳng nối 2 đỉnh gọi là đường cổ (neckline), có vai trò như đường kháng cự.
  • Sau khi tạo ra đáy thứ 3, mô hình 3 đáy chỉ hoàn thành khi giá phá vỡ vùng kháng cự hay đường viền cổ. Lúc này đường kháng cự bị phá vỡ sẽ trở thành đường hỗ trợ tiềm năng và đôi khi giá sẽ retest mức hỗ trợ mới này với lần điều chỉnh đầu tiên.

  1. Mô hình 2 đỉnh

Về mặt trực quan, mô hình hai đỉnh (Double Top) có hình dạng giống như hai ngọn núi hay đơn giản là giống hình chữ M. Mô hình 2 đỉnh thường xuất hiện ở cuối xu hướng tăng, dấu hiệu cho thấy thị trường sắp đảo chiều từ tăng sang giảm

Trong xu hướng tăng, khi giá đi lên gặp đường kháng cự mà không vượt qua được sẽ hình thành nên đỉnh thứ nhất. Sau đó, giá có xu hướng đảo chiều nhưng không thể phá vỡ đường hỗ trợ bên dưới, nên sẽ hình thành đáy trung tâm. Sau nhịp giảm, giá quay lại vùng đỉnh lần nữa. Tuy nhiên giá tiếp tục không phá được vùng đỉnh và giảm trở lại tạo nên đỉnh thứ 2.

Mô hình hai đỉnh chỉ được xem là hoàn thiện khi giá break out khỏi đường Neckline và bắt đầu giai đoạn giảm giá.

  • Mô hình 2 đỉnh được tạo thành từ hai đỉnh liên tiếp gần bằng nhau hoặc cao hơn hoặc thấp hơn nhau một chút. Khi nối 2 đỉnh này sẽ tạo thành một đường nằm ngang hoặc hơi xiên một chút. Đường nằm ngang này cũng chính là đường kháng cự.
  • Ở giữa 2 đỉnh là một đáy tạm thời, đây là mức điều chỉnh tự nhiên trong một xu hướng tăng giá. Đi qua đáy là một đường nằm ngang gọi là đường cổ (neckline) và có vai trò như một đường hỗ trợ.
  • Sau khi hình thành 2 đỉnh, nếu giá đi xuyên qua đường cổ thì nó thường sẽ quay trở lại để test đường cổ. Khi test thành công thì xu hướng xuống mới hình thành. Bạn có thể tin tưởng rằng thị trường sẽ đi xuống sâu hơn nữa và có thể đặt sell vào lúc này.

Khi giá phá vỡ đường Neckline, thì cơ bản mô hình hai đỉnh đã được xác nhận. Lúc này, trader có thể vào lệnh Sell ngay tại điểm nằm dưới neckline như hình vẽ – điểm số 1, nếu đã bỏ qua cơ hội chốt lời ở điểm số 3 ngay khi có dấu hiệu giảm. Thông thường giá sẽ quay lại test đường neckline ( giống như một đường kháng cự ), và khi đó trader nên bán ở điểm số 2.

  1. Mô hình 3 đỉnh

Mô hình 3 đỉnh thường hình thành trong khoảng 3 đến 6 tháng. Trước khi xuất hiện đỉnh thứ ba, mẫu hình này trông giống với mô hình 2 đỉnh. Vì vậy, có thể nói, mô hình ba đỉnh là tiếp nối của mô hình hai đỉnh nên tín hiệu phát ra sẽ mạnh mẽ hơn so với mô hình 2 đỉnh

  • Ba đỉnh được tạo thành trong xu hướng tăng, sau đó bắt đầu giảm và cứ điều chỉnh lên xuống như vậy cho đến khi hình thành đỉnh thứ 3. Đường nằm ngang nối 3 đỉnh với nhau là đường kháng cự.
  • Đường nằm ngang nối hai đáy tạm thời tạo thành đường cổ (neckline), cũng chính là đường hỗ trợ.
  • Mô hình 3 đỉnh nằm ở cuối của một xu hướng tăng giá. Nó thường là dấu hiệu của sự đảo chiều xu hướng từ tăng sang giảm.
  • Mô hình 3 đỉnh chỉ được xác nhận sau khi giá đã hình thành ba đỉnh và đi xuống xuyên qua đường cổ (neckline). Lúc này, đường cổ chuyển vai trò từ đường hỗ trợ thành đường kháng cự.
  1. Mô hình vai đầu vai

Mô hình vai đầu vai thuận thường xuất hiện trong xu hướng tăng, báo hiệu giá sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm. Mô hình này được tạo thành bởi 1 đỉnh gọi là vai phải, tiếp đến là 1 đỉnh cao hơn gọi là đầu, sau đó kết thúc bằng 1 đỉnh thấp hơn gọi là vai trái. Đường viền cổ được vẽ bằng cách nối 2 đáy của 2 đỉnh vai ở trên. Khi mô hình vai đầu vai xuất hiện giá sẽ đảo chiều nên nhà đầu tư nên cân nhắc vào lệnh sell để thu lợi nhuận hoặc thoát lệnh để hạn chế tổn thất. Đặc biệt khi giá break out khỏi đường viền cổ dự báo sự đảo chiều rất mạnh.

Cụ thể nội dung từng phần thể hiện như sau:

Vai trái là điểm cao nhất trong xu hướng tăng tại thời điểm hiện tại.

Điểm low 1: là điềm thấp nhất khi giá giảm từ đỉnh vai trái.

Đầu: là đỉnh cao tiếp theo trong xu hướng tăng và đỉnh này cao hơn đỉnh vai trái.

Điểm low2: Được hình thành khi giá từ đỉnh đầu đổi chiều giảm. Đây là điểm thấp nhất giữa đầu và vai phải.

Vai phải: Là đỉnh thứ 3 và đỉnh này thấp hơn đầu. Thông thường đỉnh vai trái và vai phải không cần bằng nhau.

Đường viền cổ: được hình thành bằng cách vẽ một đường nối điểm low 1 và điểm low 2. Đường này có thể hướng lên hoặc hướng xuống nhưng hướng xuống sẽ báo hiệu đổi chiều mạnh mẽ hơn.

Sự phá vỡ đường viền cổ, xu hướng tăng sẽ bị đảo ngược, như vậy mô hình vai đầu vai sẽ được hoàn thiện.

  1. Mô hình cái nêm

Mô hình cái nêm có tên tiếng Anh là Wedge Pattern là mô hình xuất hiện sau một xu hướng tăng hoặc giảm, dự báo khả năng đảo chiều hoặc tiếp diễn của xu hướng trước đó.

Thông thường, cấu tạo của mô hình cái nêm bao gồm hai đường là hỗ trợ bên dưới, kháng cự bên trên và cùng dốc lên hoặc dốc xuống hội tụ với nhau tại một điểm tạo thành hình cái nêm.

Giá di chuyển trong “nêm” với biên độ dao động càng ngày càng hẹp. Khi khoảng cách được thu hẹp tới một mức độ nào đó, sẽ xảy ra một cú breakout theo một trong hai hướng lên hoặc xuống. Nếu giá phá vỡ lên trên ta gọi là xu hướng tăng, ngược lại, giá phá vỡ đi xuống ta gọi là xu hướng giảm.

- Mô hình nêm tăng (Rising Wedge)

  • Rising Wedge xuất hiện trong một xu hướng tăng, giá tại các đỉnh sau cao hơn các đỉnh trước. Tuy nhiên độ dốc của đỉnh sau so với đỉnh trước lại thấp hơn độ dốc của đáy sau so với đáy trước, nói đơn giản hơn tức là đường kháng cự có độ dốc thấp hơn đường hỗ trợ.
  • Điều này chứng tỏ lượng mua đang dần suy yếu còn lượng bán thì đang dần mạnh lên. Đến một thời điểm nào đó, khi lực bán đủ mạnh, giá sẽ phá vỡ vùng hỗ trợ đi xuống, bắt đầu một xu hướng giảm giá vô cùng mạnh.
  • Ngược lại, nếu trước khi mô hình nêm tăng được hình thành là một xu hướng giảm, nó thể hiện thị trường đang tạm nghỉ sau một đợt giảm giá ngắn hạn hoặc dài hạn. Khi đó lực mua trên thị trường đang khá yếu trong khi phe bán đang lấy đà đẩy giá xuống thấp hơn. Đến khi phe bán dồn sức đủ mạnh, giá sẽ breakout khỏi ngưỡng hỗ trợ và tiếp tục đi xuống.

- Mô hình nến giảm ( Falling Wedge )

  • Mô hình nêm giảm bao gồm hai đường kháng cự và hỗ trợ cùng dốc xuống, giao nhau tại một điểm chếch xuống phía dưới của mô hình. Đối với mô hình này, giá sẽ phá vỡ theo hướng ngược lại so với hướng dốc của cái nêm. Tương tự Rising Wedge, Falling Wedge cũng có thể được tạo thành ở cuối của một xu hướng tăng giá hoặc giảm giá.
  • Đối với trường hợp nêm giảm xuất hiện sau một xu hướng tăng, hai đường trendline hướng xuống dưới chỉ thể hiện sự tạm dừng của thị trường. Đây là thời điểm một số trader sẽ chốt lời khi cảm thấy đã đạt được mức sinh lời như kỳ vọng sau một đợt tăng giá mạnh. Lúc này lực bán bắt đầu xuất hiện nhưng khá yếu ớt, bên mua vẫn tiếp tục tạo áp lực đẩy giá lên. Đến khi lực mua đủ mạnh, giá sẽ phá vỡ đường kháng cự và vọt lên mạnh mẽ tiếp diễn xu hướng tăng lúc đầu.
  • Trường hợp nêm giảm xuất hiện sau một xu hướng giảm dự báo khả năng giá đảo chiều sẽ xảy ra. Độ dốc đường kháng cự lớn hơn độ dốc đường hỗ trợ cho thấy lượng bán đang yếu đi, sau đó khi lượng mua tăng đủ mạnh, giá sẽ breakout khu vực kháng cự và đảo chiều đi lên, mở đầu một xu hướng tăng mạnh mẽ.

Mới cập nhật

  • LÀM GÌ KHI THỊ TRƯỜNG BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

    LÀM GÌ KHI THỊ TRƯỜNG BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

    Đầu tư là một quá trình dài hạn và không nên đánh giá thành công hoặc thất bại dựa trên một phiên giao dịch duy nhất. Hãy kiên nhẫn và kiên trì trong việc theo đuổi kế hoạch đầu tư.

  • Cách đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán

    Cách đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán

    Đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán là cần thiết, trước khi ra quyết định mua bất kỳ cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần xác định được cơ hội cũng như rủi ro của mã cố phiếu đó thông qua các tiêu chí cơ bản. Sau khi đã chọn được cổ phiếu tiềm năng, nhà đầu tư cần xác định điểm mua hợp lý.

  • TÌM HIỂU VỀ THUẾ VAT VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

    TÌM HIỂU VỀ THUẾ VAT VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

    Thuế VAT là một loại thuế tiêu dùng áp dụng trên hàng hóa và dịch vụ ở mức độ phân phối và tiêu dùng cuối cùng. Tức là, khi sản phẩm hoặc dịch vụ được bán cho người tiêu dùng cuối cùng, mức thuế VAT sẽ được tính và thu vào ngân sách nhà nước.