Chứng khoán là gì ? Cơ hội - rủi ro đầu tư chứng khoán

Chứng khoán là chứng từ có giá dài hạn hoặc bút toán ghỉ số xác nhận các quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành.

 

Chứng khoán bao gồm các loại sau đây:

  • Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
  • Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
  • Chứng khoán phái sinh;
  • Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

 Cụ thể, các loại tài sản là chứng khoán được biết như sau:

 - Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

- Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

- Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

- Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.

- Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

- Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.

- Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Đầu tư cổ phiếu hay đầu tư chứng khoán là hình thức mà người tham gia sử dụng nguồn vốn của bản thân để mua bán cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Đầu tư chứng khoán là kênh đầu tư mang lại hiệu suất sinh lời trung bình cao, với điều kiện đi kèm là nhà đầu tư cần có kiến thức, kinh nghiệm và một chiến lược giao dịch đúng đắn. Nếu NĐT đang tìm cách để biến số vốn nhàn rỗi của mình thành một nguồn thu nhập ổn định thì chứng khoán là một trong những sự lựa chọn hàng đầu. 

Việc tăng giá của cổ phiếu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tình hình kinh tế - chính trị, lạm phát, phát triển ngành nghề, khả năng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bên cạnh các yếu tố mang tính kỹ thuật như cung cầu thị trường, tâm lý hay thị yếu của các nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ phải phân tích một cách kỹ lưỡng trước khi chọn mua một cổ phiếu nào đó.

 

Cơ hội đầu tư chứng khoán mang lại

1. Hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá

Khi công ty tăng trưởng tốt, giá cổ phiếu thường sẽ tăng cao và kéo theo là đem lại lợi nhuận từ chênh lệch giá cho những ai nắm cổ phiếu công ty.

Ví dụ: NĐT mua cổ phiếu Công ty Cổ Phần Chứng Khoán Bản Việt (VCI) tại ngày 16/09/2021 (tức 1 năm nắm giữ so với lúc đăng bài viết này) với giá 14.000đ/cổ phiếu. Tới thời điểm hiện tại 16/09/2021, giá cổ phiếu là 63.400 đ/cổ phiếu. NĐT có thể bán ra và thu khoản chênh lệch giá này khá lớn.

2. Nhận cổ tức hàng năm

Nhiều nhà đầu tư không chỉ chú trọng đến chênh lệch giá mà còn chú ý đên cổ tức của công ty, đây là nguồn thu nhập thụ động cho nhà đầu tư. Nhiều công ty niêm yết kinh doanh tăng trưởng có chính sách chi trả cổ tức hàng năm cho các cổ đông từ lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Ví dụ: sở hữu Công ty Cổ Phần Chứng Khoán Bản Việt (VCI) trong năm 2021 nhà đầu tư sẽ nhận được 25% cổ tức bằng tiền mặt (Tương đương 2.500 đ/cp) và cổ phiếu được thưởng theo tỷ lệ 1:1 (1 cổ phiếu nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

3. Chống lại trượt giá đồng tiền

Nền kinh tế luôn có tỷ lệ lạm phát nhất định, đơn giản là ví dụ về việc giá cả hàng hóa luôn tăng theo thời gian, tiền của NĐT đang có sức mua ít hơn mỗi ngày khi NĐT cất chúng trong tủ hay trong ngân hàng ( kể cả khi NĐT gửi tiết kiệm nếu lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ngày càng thấp hơn so với chỉ số lạm phát – tiền lãi NĐT thu được thấp hơn so với số tiền “bị trượt giá” của NĐT). Đầu tư chứng khoán sẽ giúp chúng ta bảo vệ được giá trị tài sản của mình.

4. Được tham gia vào quản trị công ty

Khi NĐT mua cổ phiếu của 1 công ty cổ phần tức là NĐT đang là chủ sở hữu 1 phần của công ty đó. NĐT nắm giữ càng nhiều cổ phiếu thì NĐT càng có ảnh hưởng tới các quyết định của công ty về kinh doanh, nhân sự, định hướng,…

5. Vốn đầu tư thấp, tính thanh khoản cao

Có rất nhiều kênh đầu tư khác hiện nay như bất động sản, vàng, ngoại tệ,…Nhưng chúng đều đòi hỏi NĐT phải có 1 nguồn vốn tương đối lớn ( đặc biệt là bất động sản) hoặc việc mua bán sẽ mất nhiều thời gian và thủ tục. Đối với chứng khoán, chỉ cần vài cú click chuột là NĐT hoàn toàn có thể giao dịch trên thị trường. 

6. Luôn có cơ hội trên thị trường

Mặc dù có thể thị trường chung giảm hoặc tăng theo từng giai đoạn, nhưng mỗi cổ phiếu lại có thể có xu hướng khác nhau. Thị trường chung tăng trưởng tốt đương nhiên là NĐT sẽ có rất nhiều cổ phiếu lựa chọn để đầu tư, nhưng kể cả khi thị trường suy giảm, cơ hội vẫn luôn xuất hiện trong số hằng trăm cổ phiếu.

Những rủi ro khi đầu tư chứng khoán 

1. Rủi ro kinh tế, xã hội

Dưới góc độ vĩ mô, tình hình kinh tế xã hội nói chung ảnh hưởng tới mọi mặt trong đời sống và chứng khoán cũng như cổ phiếu không nằm ngoài số đó. Đặc biệt, khi là một loại sản phẩm của thị trường tài chính, biến động của cổ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều vào việc phát triển kinh tế, chính sách của Nhà nước. Việc ổn định được nền kinh tế mới giúp lượng cung tiền vào cổ phiếu được gia tăng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng về mặt giá trị.

Ở chiều hướng xấu, nền kinh tế sa sút, tình hình xã hội bất ổn sẽ làm giảm triển vọng vào các cổ phiếu trên thị trường, cung tiền giảm, giá trị cổ phiếu theo đó sẽ xuống dốc.

2. Rủi ro ngành

Mỗi cổ phiếu sẽ đại diện cho một doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp sẽ thuộc một ngành nghề kinh doanh khác nhau. Bất kỳ ngành nghề nào cũng có điểm mạnh và yếu, rủi ro ngành nghề luôn hiện hữu theo chu kỳ nền kinh tế thị trường.

Trong một diễn biến tốt đẹp, các ngành được hưởng lợi từ chính sách kinh tế, nhu cầu của khách hàng sẽ tạo nên nền tảng tốt cho những cổ phiếu trong ngành. Nhưng theo chiều ngược lại, cổ phiếu có thể diễn biến xấu khi những thông tin bất lợi của ngành liên tiếp xảy ra.

3. Rủi ro hoạt động doanh nghiệp

Mỗi doanh nghiệp tương ứng với mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp đó thường có xu hướng đi theo đà phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận đều đặn, tình hình vay nợ, sử dụng vốn ổn định sẽ là tiền đề cho tăng trưởng của cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ cổ tức được chia từ lợi nhuận giữ lại hàng năm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ xấu với ngân hàng, sử dụng vốn thiếu hiệu quả sẽ làm giảm sức hút của cổ phiếu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ khó nhận được những ưu đãi như cổ tức đều đặn mỗi năm.

4. Rủi ro thị trường

Thị trường chứng khoán nói chung có sự tham gia của nhiều nhân tố bao gồm cơ quan quản lý (Ủy ban chứng khoán, Sàn giao dịch), bên cung cấp dịch vụ (Công ty chứng khoán), Nhà đầu tư (Nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài). Vì vậy, mỗi tác động của từng nhân tố này đều có thể gây nên biến động thị trường cổ phiếu.

Yếu tố thị trường bao gồm nhiều rủi ro như rủi ro pháp lý, rủi ro thanh khoản, rủi ro về yếu tố tâm lý của nhà đầu tư. Mỗi hình thái rủi ro này đến từ những nhân tố xuất hiện trên thị trường. Nếu các cơ quan quản lý lỏng lẻo, xây dựng hệ thống luật chưa chặt chẽ sẽ làm cho những bên liên quan có cơ hội lợi dụng để làm giá cổ phiếu, nhà đầu tư hoang mang, lượng tiền đổ vào chứng khoán giảm sút.

Ở góc nhìn khác, các nhà đầu tư bao gồm những tổ chức lớn đều có dao động tâm lý trên thị trường. Nếu ở trạng thái hoang mang, lo sợ thì có thể sẽ tác động không tốt nên cổ phiếu trên thị trường.

-----------------------------------------------

# Group FB: Click

# Free group Zalo Easystock.vn: Click 

# Kênh Youtube: Click

** 3 Phút mở tài khoản giao dịch tại VCSC: Click 

Mới cập nhật

  • LÀM GÌ KHI THỊ TRƯỜNG BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

    LÀM GÌ KHI THỊ TRƯỜNG BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

    Đầu tư là một quá trình dài hạn và không nên đánh giá thành công hoặc thất bại dựa trên một phiên giao dịch duy nhất. Hãy kiên nhẫn và kiên trì trong việc theo đuổi kế hoạch đầu tư.

  • Cách đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán

    Cách đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán

    Đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán là cần thiết, trước khi ra quyết định mua bất kỳ cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần xác định được cơ hội cũng như rủi ro của mã cố phiếu đó thông qua các tiêu chí cơ bản. Sau khi đã chọn được cổ phiếu tiềm năng, nhà đầu tư cần xác định điểm mua hợp lý.

  • TÌM HIỂU VỀ THUẾ VAT VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

    TÌM HIỂU VỀ THUẾ VAT VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

    Thuế VAT là một loại thuế tiêu dùng áp dụng trên hàng hóa và dịch vụ ở mức độ phân phối và tiêu dùng cuối cùng. Tức là, khi sản phẩm hoặc dịch vụ được bán cho người tiêu dùng cuối cùng, mức thuế VAT sẽ được tính và thu vào ngân sách nhà nước.