4 Trường Phái Đầu Tư Chứng Khoán

Có rất nhiều trường phái đầu tư chứng khoán mà chúng ta có thể tìm và học hỏi, tuy nhiên, có 4 trường phái đầu tư chứng khoán cơ bản nhất nhưng vẫn hiệu quả, đó là trường phái đầu tư giá trị, đầu tư cơ bản, đầu tư tăng trưởng và đầu tư kỹ thuật.

Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có nhiều quan điểm và trường phái đầu tư chứng khoán khác nhau. Lựa chọn cho mình một trường phái đầu tư chứng khoán hợp lý và hiệu quả là câu hỏi của phần lớn các nhà đầu tư chứng khoán. Trường phái đầu tư là những nguyên tắc định hướng cho quá trình đưa ra quyết định của các nhà đầu tư. Mỗi một trường phái sẽ thể hiện một triết lý nhất quán, có hệ thống về những vấn đề liên quan đến thị trường.

Tại một thời điểm trên cùng một thị trường, các nhà giao dịch có trường phái đầu tư khác nhau sẽ nhìn nhận cơ hội theo nhiều chiều hướng. Họ sẽ đưa ra những hành động khác nhau để tạo ra lợi nhuận cho riêng mình. Có rất nhiều trường phái đầu tư chứng khoán mà chúng ta có thể tìm và học hỏi, tuy nhiên, có 4 trường phái đầu tư  chứng khoán cơ bản nhất nhưng vẫn hiệu quả, đó là trường phái đầu tư giá trị, đầu tư cơ bản, đầu tư tăng trưởng và đầu tư kỹ thuật.

1. Đầu tư Giá Trị:

Nhà đầu tư giá trị là những người tìm kiếm cổ phiếu bị thị trường định giá thấp hơn giá trị của nó. Theo các cách sau:

  • Dùng những tiêu chuẩn để chọn lọc. Cổ phiếu nào qua được bộ lọc này là cổ phiếu đáng để đầu tư. Chiến lược này vì thế được gọi là chiến lược đầu tư giá trị bằng cách chọn lọc thụ động. Một số tiêu chí bộ lọc như: Tỷ số lợi nhuận/thị giá; Chỉ số P/E; Tỷ suất cổ tức/giá của cổ phiếu; EPS; Tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu.v.v….
  • Chiến lược đầu tư giá trị nội tại, nhà đầu tư mua vào cổ phiếu khi thị giá thấp hơn giá trị nội tại căn cứ vào các báo cáo phân tích của các nhà tư vấn, công ty chứng khoán. 
  • Đầu tư vào những cổ phiếu mà hầu như không ai dòm ngó đến vì kết quả kinh doanh kém, vì giá quá thấp. Đây là chiến lược đầu tư giá trị – đối nghịch. 
  • Đầu tư chủ động, đầu tư vào những cổ phiếu có tiềm năng nhưng có giá trị thấp do việc quản lý, điều hành của công ty yếu. Sau khi đầu tư, nhà đầu tư sẽ thay đổi cách quản lý, bởi họ nắm số lượng cổ phần biểu quyết đủ lớn để ảnh hưởng đến việc điều hành và quản trị của công ty.

 Trường phái đầu tư chứng khoán này được khai sinh bởi nhà đầu tư nổi tiếng Benjamin Graham và được thực hành rất thành công bởi Warren Buffett. Bên cạnh đó, trường phái đầu tư giá trị này cũng được nhiều nhà đầu tư nổi tiếng áp dụng như David Dodd, Charlie Munger, Christopher Browne, hay Seth Klarman.

Ưu điểm:

Khi đầu tư giá trị, NĐT sẽ tránh được những biến động của thị trường trong ngắn hạn cũng như không mất nhiều thời gian để quan sát biểu đồ, danh mục đầu tư của mình mỗi ngày. Và một ưu điểm khác của đầu tư giá trị là bên cạnh lợi nhuận đến từ sự tăng giá của cổ phiếu thì nhóm NĐT này còn có thể gia tăng lợi nhuận từ việc được nhận cổ tức.

Nhược điểm:

Một trong những nhược điểm đối với trường phái đầu tư giá trị là nhóm NĐT này sẽ bỏ qua những cơ hội tăng trưởng lợi nhuận khi thị trường tăng mạnh. Cùng với đó, việc xác định giá trị của 1 doanh nghiệp sẽ cần đến một lượng thông tin khá lớn và mang tính tin cậy cao liên quan đến DN để định giá một cách khách quan và chính xác nhất về tiềm năng của cổ phiếu. Nhưng là 1 NĐT cá nhân thì việc tiếp cận với dữ liệu chính thống thì khá khó khăn. Hơn nữa, một khi trở thành NĐT giá trị thì bạn cũng phải chấp nhận mức độ rủi ro cao vì việc định giá sai đối với 1 DN là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi, bạn đã chấp nhận chi phí cơ hội cho 1 lượng vốn lớn trong thời gian dài mà không những nó không mang lại lợi nhuận mà còn khiến bạn thua lỗ.

 2. Đầu tư cơ bản:

Đầu tư cơ bản là trường phái đầu tư đo lường giá trị nội tại của cổ phiếu bằng cách xem xét các chỉ số về kinh tế và tài chính của doanh nghiệp qua các năm tháng và đánh giá triển vọng phát triển trong tuơng lai của doanh nghiệp. Với phương pháp này, nhà đầu tư tập trung vào việc định giá công ty hay cổ phiếu thông qua định lượng và định tính.

Định lượng, nhà đầu tư tập trung phân tích dữ liệu giá cổ phiếu công ty trong quá khứ hay từ các báo cáo tài chính của công ty như bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Qua đó, sẽ xây dựng lên các mô hình định lượng để xác định kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu trong tương lai.

Định tính, thay vì nghiên cứu số liệu, chúng ta sẽ phân tích các yếu tố có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty, như: 

  • Phân tích vĩ mô: các chính sách của chính phủ, GDP, xu hướng lãi suất, xu hướng lạm phát, tỷ giá hối đoái…, nhà đầu tư có thể xác định chu kỳ kinh tế ở thời điểm hiện tại và ngành nghề/công ty nên tập trung để đầu tư.
  • Phân tích ngành: tình hình cung/cầu sản phẩm trong ngành, tiềm năng gia nhập ngành, sức mạnh của người mua hàng, sức mạnh của nhà cung cấp, sản phẩm thay thế, và đối thủ cạnh tranh, chuỗi cung ứng của ngành để xác định mức độ hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng của ngành trong tương lai.
  • Phân tích doanh nghiệp: xác định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, nguyên vật liệu phải nhập khẩu hay có thể mua trong nước, giá trị gia tăng mà doanh nghiệp có được trong chuỗi cung ứng, công suất nhà máy hiện tại và tỷ lệ sản xuất/công suất, xác định điểm hòa vốn của doanh nghiệp, đầu tư tài sản cố định trong tương lai và xác định tiềm năng của hoạt động đầu tư mở rộng này, tỷ lệ cổ tức… Ngoài ra, cũng cần đánh giá chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp với các chỉ số như EPS, ROA, ROE…

Ưu điểm: Có thể lý giải 1 cách rõ ràng các lý do biến động của giá cổ phiếu, đưa ra cái nhìn dài hạn cho ngành nghề hay doanh nghiệp kinh doanh, giúp NĐT lựa chọn cổ phiếu.

Nhược điểm: Nguồn dữ liệu cần đủ lớn, cần nhà đầu tư có kiến thức vi mô và vĩ mô. Khó xác định chính xác thời điểm nào nên tham gia thị trường hay rời khỏi thị trường. 

 3. Đầu tư tăng trưởng:

Tương tự như đầu tư giá trị, nhưng với đầu tư theo trường phái tăng trưởng là nhà đầu tư chấp nhận cả những cổ phiếu đang có thị giá cao hơn giá trị định giá của doanh nghiệp. Đó là chiến lược đầu tư tập trung vào việc làm gia tăng nguồn vốn của nhà đầu tư dựa vào việc tăng giá cổ phiếu. Các nhà đầu tư này thường đầu tư vào cổ phiếu của các công ty được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận cao trong tương lai, các công ty hoạt động trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao, mở rộng nhanh chóng. 

Để tìm ra một cổ phiếu tiềm năng, NĐT tăng trưởng sẽ phải đánh giá tiềm năng phát triển của lĩnh vực mà DN đang hoạt động. Đồng thời phải đánh giá về “sức khoẻ” tài chính của DN. Bởi cho dù ngành nghề, lĩnh vực mà DN theo đuổi có triển vọng thế nào đi chăng nữa nhưng khả năng tài chính không đủ để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô, thị phần thì DN không thể tăng trưởng như kỳ vọng của NĐT. Và lúc đó, mọi sự kỳ vọng đều vô nghĩa.

Ưu điểm đầu tư tăng trưởng sẽ giúp nhóm NĐT này gia tăng lợi nhuận một cách nhanh chóng. 

Nhược điểm là nếu như với nhóm đầu tư giá trị, họ sẽ có cơ hội có thêm lợi nhuận từ chia cổ tức thì nhóm đầu tư tăng trưởng lại không. Bởi vì hầu hết các công ty tăng trưởng đều giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, thay vì chia cổ tức cho cổ đông. Bên cạnh đó, một hạn chế lớn khác của phương pháp đầu tư này là nhà đầu tư thường phải trả giá cao hơn nhiều so với giá trị tài sản ròng của DN tại thời điểm đầu tư bởi các chỉ tiêu định giá hiện tại như P/E, P/B hay EV/EBITDA không phải là điều kiện quan trọng khi đầu tư.

4. Đầu tư kỹ thuật:

Cách đầu tư chứng khoán nhờ các công cụ phân tích bằng đồ thị, dựa trên những chỉ báo kỹ thuật hay những biểu đồ để ra quyết định đầu tư. Các biểu đồ và chỉ báo này thường được tính toán dựa trên 2 yếu tố cơ bản là giá và khối lượng giao dịch. Các chỉ báo được tính toán với mục đích giải thích mối quan hệ về sức mạnh của bên bán (nguồn cung cổ phiếu) và sức mạnh của bên mua (nguồn cầu cổ phiếu). Và mối quan hệ cung cầu này tác động đến giá cổ phiếu. Theo đó, trường phái đầu tư này cố gắng mua vào những cổ phiếu đang có “sóng” và họ sẽ bán ra cổ phiếu trên vùng đỉnh sóng, khi có tín hiệu xu hướng đảo chiều. Với trường phái này, vì chỉ dựa vào giá, khối lượng giao dịch và các chỉ số kỹ thuật nên sẽ có quan điểm đầu tư trái ngược với NĐT giá trị với 3 quan điểm: mọi thông tin sẽ được phản ánh vào giá, giá vận động theo xu thế, biến động thị trường liên quan đến tâm lý của các nhà đầu tư.

 Ưu điểm của trường phái phân tích kỹ thuật so với những trường phái ở trên là quan tâm nhiều hơn đến tâm lý thị trường. Do đó, nếu là 1 NĐT có kinh nghiệm, điều này sẽ giúp cho bạn đưa ra quyết định đầu tư hợp lý một cách nhanh chóng mà không phải quan tâm đến quá nhiều các thông tin, chỉ số tài chính khác. Hơn nữa, trường phái đầu tư kỹ thuật luôn là đầu tư lướt sóng, ngắn hạn nên nhóm NĐT này sẽ tìm ra được nhiều cơ hội để đầu tư và gia tăng lợi nhuận.

Nhược điểm, là 1 NĐT theo trường phái kỹ thuật thì bạn phải là một người đầu tư nhiều thời gian liên tục quan sát biểu đồ, bảng điện để không bỏ lỡ những cơ hội mua bán hợp lý. Và đối với đầu tư theo phân tích kỹ thuật, các biến động trong ngắn hạn sẽ rất dễ làm giảm lợi nhuận đầu tư. Do đó, NĐT cần có khả năng quản lý rủi ro thật tốt để có thể đầu tư hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao.

 

Trường phái đầu tư chứng khoán nào tốt nhất?

 Nhà đầu tư không thể áp dụng hết những phương thức và chiến lược kể trên, mà phải xác định cho mình một hay vài phương thức, chiến lược nhất định. Không có câu trả lời rõ ràng cho việc trường phái đầu tư nào tốt nhất bởi mỗi nhà đầu tư có một mục tiêu đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro, thời gian đầu tư khác nhau và việc chọn một phương thức đầu tư thích hợp cho từng cá nhân sẽ phù thuộc rất nhiều vào những điều đó.

# Group FB: Click

# Free group Zalo Easystock.vn: Click 

# Kênh Youtube: Click

** 3 Phút mở tài khoản giao dịch tại VCSC: Click 

Mới cập nhật

  • LÀM GÌ KHI THỊ TRƯỜNG BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

    LÀM GÌ KHI THỊ TRƯỜNG BẤT NGỜ GIẢM MẠNH

    Đầu tư là một quá trình dài hạn và không nên đánh giá thành công hoặc thất bại dựa trên một phiên giao dịch duy nhất. Hãy kiên nhẫn và kiên trì trong việc theo đuổi kế hoạch đầu tư.

  • Cách đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán

    Cách đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán

    Đọc và phân tích biểu đồ chứng khoán là cần thiết, trước khi ra quyết định mua bất kỳ cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần xác định được cơ hội cũng như rủi ro của mã cố phiếu đó thông qua các tiêu chí cơ bản. Sau khi đã chọn được cổ phiếu tiềm năng, nhà đầu tư cần xác định điểm mua hợp lý.

  • TÌM HIỂU VỀ THUẾ VAT VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

    TÌM HIỂU VỀ THUẾ VAT VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

    Thuế VAT là một loại thuế tiêu dùng áp dụng trên hàng hóa và dịch vụ ở mức độ phân phối và tiêu dùng cuối cùng. Tức là, khi sản phẩm hoặc dịch vụ được bán cho người tiêu dùng cuối cùng, mức thuế VAT sẽ được tính và thu vào ngân sách nhà nước.