Bất chấp dịch bệnh, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại Việt Nam
Báo cáo cập nhận kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15/9 cho biết trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11.7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 8/2021, thời gian mà dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2.4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Các chuyên gia của WB cũng nêu một số thông tin đánh giá về các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Cụ thể, các biện pháp hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến giao thông trong nước và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng 1.2%, qua đó tạo áp lực lên giá cả nói chung. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0.3% so với tháng trước được WB đánh giá là mức “tương đối ổn định”.
Bên cạnh đó, trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dư nợ tín dụng cuối tháng 8 vẫn tăng trưởng 14.9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tốc độ tăng cuối tháng 7.
Các chuyên gia WB nhận định tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với thời gian trước đại dịch do các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và tái cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo WB, trong thời gian tới, kết quả tổng thể của nền kinh tế trong năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra một cách hiệu quả trong tháng 9 để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV/2021.
Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng khi ưu tiên đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine để bao phủ ít nhất 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, WB khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân. Hỗ trợ cho các DN, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm.