Dow Jones vọt 570 điểm trong một phiên biến động mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones vọt 572.16 điểm (tương đương 1.9%) lên 31,496.30 điểm sau khi mất tới 150 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 2% lên 3,841.94 điểm sau khi giảm 1% trước đó. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.6% lên 12,920.15 điểm khi cổ phiếu Apple và Microsoft lần lượt tăng 1% và 2%. Tại mức thấp nhất trong phiên, Nasdaq Composite đã giảm tới 2.6%.
Các chỉ số chính đã bật lên khỏi các mức đáy khi lợi suất trái phiếu giảm từ mức đỉnh trong phiên. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lùi xuống 1.55% sau khi vượt mốc 1.6% để chạm mức cao nhất năm 2021 sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm tăng mạnh.
Vào ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 379,000 việc làm trong tháng 01/2021 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6.2%, cao hơn rất nhiều so với dự báo có thêm 210,000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 6.3% trong tháng 01/2021 từ Dow Jones.
Những cổ phiếu được hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế nhanh chóng đã nhảy vọt sau báo cáo việc làm. Lĩnh vực năng lượng thuộc S&P 500 tăng 3.9%, ghi nhận phiên tốt nhất kể từ tháng 11/2020. Cổ phiếu Occidental Petroleum vọt 4.5%, cổ phiếu Devon Energy leo dốc 8.4%. Các lĩnh vực tài chính và nguyên vật liệu đều tăng hơn 2%.
Tuy nhiên, sự gia tăng lãi suất đã làm dấy lên lo ngại rằng những công ty công nghệ theo định hướng tăng trưởng, vốn đã dẫn đầu đà tăng của thị trường trong năm trước, có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng kỳ vọng nếu chi phí vay tăng. Cổ phiếu Tesla mất hơn 3%, qua đó nâng tổng mức lao dốc trong tuần qua lên 11%. Mặc dù cổ phiếu này đã rút khỏi mức thấp nhất trong phiên ngày thứ Sáu.
Những cổ phiếu chiến thắng trong đại dịch Covid-19 là Peloton và Zoom Video lần lượt sụt 12% và 9% trong tuần này.
Bất chấp đà phục hồi trong ngày thứ Sáu, Nasdaq Composite đã giảm hơn 2% trong tuần này, và chỉ số này cũng tích tắc chuyển sang ghi nhận mức lỗ trong năm nay. Trong khi, chỉ số S&P 500 tiến 0.8% trong tuần này, chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm liên tiếp. Dow Jones tăng 1.8% khi nhà đầu tư kỳ vọng vào đà phục hồi kinh tế.
GIÁ DẦU TĂNG LÊN MỨC CAO NHẤT TRONG GẦN 2 NĂM
Theo hãng tin AFP, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 5 tăng 3,9% lên 69,36 USD/thùng tại London. Đây là mức giá cao nhất khi chốt phiên của dầu thô Brent kể từ tháng 4-2019 tới nay.
Trong khi đó, tại New York, giá dầu West Texas Intermediate giao tháng 4 cũng tăng 3,5% lên 66,09USD/thùng, mức cao nhất trong 22 tháng qua.
Việc các nước sản xuất dầu mỏ công bố mức tăng sản lượng trong tháng 4 thấp hơn dự kiến là nhân tố đẩy giá dầu lên mức chỉ vài tháng trước là không thể hình dung. Thời điểm đó giá dầu thế giới lao dốc do nhu cầu sử dụng toàn cầu giảm mạnh vì đại dịch COVID-19.
Theo ông Bjornar Tonhaugen, giám đốc phụ trách các thị trường dầu mỏ của công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập có trụ sở tại Oslo, Na Uy, quyết định ngày 4-3 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) chỉ tăng khiêm tốn sản lượng là biểu hiện của “sự kiềm chế đáng kể”.
“Chỉ riêng động thái đó thôi cũng đã giúp giá dầu tiệm cận mức 70 USD/thùng. Tốc độ tăng của giá dầu kể từ những ngày u ám tiêu cực cho tới nay là chưa có tiền lệ”, ông Bjornar Tonhaugen nhận định.
Cùng với giá dầu tăng cao, chứng khoán Mỹ cũng đã chốt phiên tích cực trong ngày 5-3 với các chỉ số chính đều tăng.
Cụ thể, theo AFP, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết thúc phiên giao dịch ngày 5-3 ở 31.496,30 điểm, tăng 1,9%. Trong khi chỉ số S&P 500 tăng 2% đạt 3.841,94 điểm.
Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 1,6% khi chốt phiên, đạt 12.920,15 điểm.
Trong tháng 2 nước Mỹ đã có thêm 379.000 việc làm, tốt hơn kỳ vọng, và tỉ lệ thất nghiệp cũng đã giảm xuống còn 6,2%.
Đáng chú ý nhiều việc làm mới đã được tạo ra trong các ngành nghề kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, lĩnh vực vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19.
Giá lương thực thế giới tăng tháng thứ chín liên tiếp
Chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 116 điểm vào tháng 2, so với mức 113,2 điểm đã được điều chỉnh ở tháng 1 trước đó. Trong một tuyên bố, cơ quan có trụ sở tại thành phố Rome (Italia) cho biết, thu hoạch ngũ cốc trên toàn thế giới dự kiến tiếp tục đạt kỷ lục trong năm 2020. Những dự báo ban đầu cũng chỉ ra rằng, sản lượng mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021.
Cụ thể, FAO đã nâng dự báo sản lượng ngũ cốc năm 2020 lên 2,761 tỷ tấn từ mức ước tính 2,744 tỷ hồi tháng 1, tương đương mức tăng 1,9% so với năm 2019. Đối với năm 2021, dự báo dự trữ ngũ cốc toàn cầu sẽ tăng thêm 9 triệu tấn, lên mức 811 triệu tấn, tương đương mức giảm 0,9% so với năm 2020.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đã tăng 1,2% trong tháng 2. Trong số các loại ngũ cốc thô chính, giá lúa miến biến động mạnh nhất khi tăng 17,4% so với tháng 1 và tăng 82,1% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu cao từ Trung Quốc.
FAO cho biết, giá ngô và gạo tăng, trong khi giá xuất khẩu lúa mì vẫn ổn định. Giá đường tháng 2 tăng 6,4% so với tháng trước đó, trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung do sản lượng giảm ở các quốc gia sản xuất chính và nhu cầu tăng cao từ châu Á.
Chỉ số giá dầu thực vật tăng 6,2%, lên mức cao nhất kể từ tháng 4-2012, với giá dầu cọ tăng tháng thứ chín liên tiếp do lo ngại về trữ lượng thấp ở các quốc gia xuất khẩu lớn. Giá sữa tăng 1,7%, trong khi chỉ số giá thịt tăng nhẹ 0,6%.