Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã quyết định nâng mục tiêu sản lượng thêm 400,000 thùng/ngày từ tháng tới. Động thái này đã được nhiều kỳ vọng trước sức ép của Mỹ để tăng nguồn cung và không có những kiểm soát mới lớn vì Covid-19.
OPEC+ đang trong quá trình nới lỏng cắt giảm nguồn cung kỷ lục khoảng 10 triệu thùng/ngày. Việc cắt giảm sản lượng kỷ lục được đưa ra vào tháng 4/2020 để hỗ trợ thị trường năng lượng sau khi đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu dầu thô.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 1.1% lên 79.87 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1% lên 76.89 USD/thùng.
Giá dầu đã leo dốc hơn 50% vào năm ngoái, với các nhà đầu tư năng lượng lạc quan rằng biến thể Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn lo ngại trước đó. Điều đó diễn ra bất chấp số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận mức cao kỷ lục mới, với Mỹ báo cáo số ca nhiễm kỷ lục mỗi ngày là hơn 1 triệu chỉ trong 24 giờ.
Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo vẫn sẽ nghiêng theo những vấn đề địa chính trị năm 2022, với lo ngại về tình hình bế tắc dai dẳng giữa Nga – Ukraine và cuộc đàm phán hạt nhân Iran sẽ được OPEC+ theo dõi sát sao.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải hết sức lưu ý đến những vấn đề địa chính trị”, Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, nhận định. “Về Nga và Ukraine, tôi cho rằng đó là một vấn đề thực sự đáng lưu tâm bởi vì nếu quân đội Nga vượt biên giới vào Ukraine, Nga sẽ nhận nhiều lệnh trừng phạt đáng kể, điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu”.