Dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 4.6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn dự báo, được thúc đẩy bởi sự phục hồi sản lượng tại các cơ sở sản xuất ngoài khơi hoạt động trở lại, trước đó vốn đã bị tạm dừng hoạt động sau 2 cơn bão ở vùng Vịnh nước Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent lùi 51 xu (tương đương 0.6%) xuống 78.58 USD/thùng, sau khi giảm gần 2 USD trong phiên trước.
Hợp đồng dầu WTI mất 45 xu (tương đương 0.6%) còn 74.84 USD/thùng, sau khi giảm 0.2% trong phiên ngày thứ Ba (28/9).
Giá dầu đã khởi sắc khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và nhu cầu nhiên liệu tăng lên, trong khi một số quốc gia sản xuất phải trải qua sự gián đoạn nguồn cung.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu, xăng và các sản phẩm chưng cất tại Mỹ đã tăng trong tuần trước. Sản lượng dầu tại Mỹ vọt lên 11.1 triệu thùng/ngày, gần bằng mức sản lượng trước khi siêu bão Ida đổ bộ khoảng 1 tháng trước.
Sản lượng tại Mỹ đã không thể lấy lại mức từng thấy vào cuối năm 2019, khi sản lượng tăng lên gần 13 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu đá phiến chậm phục hồi, nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) miễn cưỡng nâng hạn ngạch sản lượng.
OPEC và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung làm nhóm OPEC+, có khả năng tuân theo một thỏa thuận hiện tại là tăng 400,000 thùng/ngày vào sản lượng tháng 11/2021 khi nhóm này nhóm họp trong tuần tới, nhiều nguồn tin cho biết, bất chấp áp lực từ người tiêu dùng là thêm nguồn cung.
Theo nhận định riêng, nhu cầu dầu được dự báo tăng mạnh trong vài năm tới. OPEC đã cảnh báo vào ngày 28/9 rằng thế giới cần tiếp tục đầu tư vào sản xuất để ngăn chặn khủng hoảng ngay cả khi chuyển sang các dạng năng lượng ít gây ô nhiễm hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích cho biết thị trường nhà ở suy yếu ở Trung Quốc và tình trạng mất điện ngày càng tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường vì bất kỳ sự sụt giảm nào đối với nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới đều có thể tác động đến nhu cầu dầu mỏ.
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và là quốc gia tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn thứ 2 sau Mỹ.