Xuất siêu chưa kịp “mừng”, nhập siêu lại “ập đến”

Sau khi vừa giành lại được “vị thế” xuất siêu trong tháng 10/2021, thì sang đến 15 ngày đầu tháng 11/2021, nhập siêu đột ngột quay trở lại với 370 triệu USD. Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2021, cán cân thương mại thâm hụt 132 triệu USD…

Xuất siêu chưa kịp “mừng”, nhập siêu lại “ập đến”

Nhập siêu quay trở lại trong 15 ngày đầu tháng 11/2021.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2021 (từ ngày 01/11 đến ngày 15/11/2021) đạt 29,59 tỷ USD, tăng 3% (tương ứng tăng 867 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2021.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 11/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/11/2021 đạt 569,03 tỷ USD, tăng 22,7% (tương ứng tăng 105,32 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 394,62 tỷ USD, tăng 25,2% (tương ứng tăng tới 79,38 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 174,4 tỷ USD, tăng 17,5% (tương ứng tăng 25,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong kỳ 1 tháng 11/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 370 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 132 triệu USD.

Cụ thể, về xuất khẩu, trong 15 ngày đầu tháng 11/2021, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 14,61 tỷ USD, giảm 6,8% (tương ứng giảm 1,07 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 10/2021. Một số nhóm hàng có giá trị xuất khẩu giảm là điện thoại các loại và linh kiện giảm 751 triệu USD, tương ứng giảm 24,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 420 triệu USD, tương ứng giảm 17,1%; thủy sản giảm 66 triệu USD, tương ứng giảm 13,1%...

Tính chung từ đầu năm đến hết 15/11/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 284,45tỷ USD, tăng 17,7% tương ứng tăng 42,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh, gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 9,2 tỷ USD, tương ứng tăng 40,9%; sắt thép các loại tăng 5,88 tỷ USD, tương ứng tăng mạnh 134%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,73 tỷ USD, tương ứng tăng 12,4%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 4,45 tỷ USD, tương ứng tăng 10%... so với cùng kỳ năm 2020.

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ từ 01/01/2021 đến 15/11/2021 và cùng kỳ năm 2020 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 11/2021 đạt 10,37 tỷ USD, giảm 9,2%, tương ứng giảm 1,05 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 10/2021.

Tính đến hết ngày 15/11/2021, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 207,88 tỷ USD, tăng 20,5%, tương ứng tăng 35,43 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2021 đạt 14,98 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 1,94 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2021.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 11/2021 tăng so với kỳ 2 tháng 10/2021 chủ yếu ở một số nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 651 triệu USD, tương ứng tăng 17,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 207 triệu USD, tương ứng tăng 11,9%; dầu thô tăng 181 triệu USD, tương ứng tăng mạnh 121,5%; vải tăng 133 triệu USD, tương ứng tăng 24,1%...

Như vậy, tính đến hết 15/11/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 284,58 tỷ USD, tăng 28,1% (tương ứng tăng 62,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9,88 tỷ USD, tương ứng tăng 18,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 8,94 tỷ USD, tương ứng tăng 28,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,36 tỷ USD, tương ứng tăng 32,1%, sắt thép các loại tăng 3,04 tỷ USD, tương ứng tăng 43,5%... so với cùng kỳ năm 2020.

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2021 đến 15/11/2021 và cùng kỳ năm 2020 (Nguồn: Tổng cục Hải quan).

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 10,12 tỷ USD, tăng 18,6% (tương ứng tăng 1,59 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 10/2021. Tính đến hết ngày 15/11/2021, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 186,74 tỷ USD, tăng 30,8% (tương ứng tăng 43,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 65,6% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

 

Mới cập nhật

  • THU NHẬP THỤ ĐỘNG

    THU NHẬP THỤ ĐỘNG

    Thu nhập thụ động là loại thu nhập mà bạn nhận được mà không cần phải làm việc trực tiếp hoặc liên tục để duy trì nó. Khác với thu nhập chủ động, như lương từ công việc hàng ngày.

  • TỔNG HỢP THÔNG TIN VỀ CỔ PHIẾU MSN

    TỔNG HỢP THÔNG TIN VỀ CỔ PHIẾU MSN

    Chúng tôi chỉ dám nhận là mình tổng hợp các thông tin về cổ phiếu #MSN, một phần là để tự mình ghi nhận những thông tin cho chính danh mục đầu tư của chúng tôi, một mặt khác là chia sẽ đến nhà đầu tư quan tâm. Chúng tôi không mục đích kêu gọi, làm giá cổ phiếu.

  • TOP 100 VỐN HÓA SÀN HOSE ĐẦU THÁNG 3/2024

    TOP 100 VỐN HÓA SÀN HOSE ĐẦU THÁNG 3/2024

    Top 100 cổ phiếu có vốn hóa lớn trên sàn HOSE, danh sách các cổ phiếu này thường bao gồm các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp và có ảnh hưởng lớn đến chỉ số thị trường chung. Đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn có thể mang lại lợi ích ổn định và tiềm năng sinh lời cao cho nhà đầu tư.