Covid-19 và mưa lũ miền Trung khiến sản lượng vận tải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm mạnh, dự kiến năm 2020 lỗ 1.324 tỷ đồng.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), năm 2020, toàn ngành đạt sản lượng hơn 6.800 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2019, doanh thu 6.565 tỷ đồng bằng 78%. Riêng công ty mẹ có tổng doanh thu 1.713 tỷ đồng, bằng 66% so với cùng kỳ, dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết năm 2020 chiều 8/1, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR đánh giá, năm qua ngành đường sắt chịu tác động tiêu cực do đại dịch khiến sản lượng vận tải hành khách giảm nghiêm trọng. Kế hoạch vận tải hành khách trong các đợt cao điểm hè, lễ, Tết bị phá vỡ. "Hành khách đi tàu có thời điểm chỉ đạt 30-35% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt", ông nói.
Chủ tịch VNR cũng nhận định, năm 2021 sản lượng vận tải hành khách của ngành đường sắt vẫn bị tác động mạnh bởi các yếu tố như: Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc; dự án cải tạo hạ tầng đường sắt sẽ làm giảm năng lực chạy tàu 25-30%; sự cạnh tranh của các hãng hàng không về giá vé...
"Vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty tại hai công ty vận tải Hà Nội và Sài Gòn có thể mất hoàn toàn. Nỗ lực sản xuất kinh doanh trong những năm qua ở hai đơn vị này cũng có nguy cơ bị xóa sạch trong 3 năm tới" ông Minh lo ngại.
Mặt khác, nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quá thấp so với nhu cầu, chưa tạo sức hút mạnh đối với nguồn vốn tư nhân. Bởi vậy, ngành này chưa có bước đột phá cho phát triển, thị phần của vận tải đường sắt ngày càng thu hẹp.
"Giai đoạn 2022, ngành đường sắt sẽ phải tái cơ cấu, có thể động chạm quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm và ngay bản thân lãnh đạo hay cán bộ lao động cũng trăn trở" người đứng đầu VNR nói.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, cho rằng mức lỗ của VNR là tương đối cao. Đây là điều lo lắng cho phát triển những năm tới. 10 năm qua, huy động ngân sách tư nhân là rất hạn hẹp vì thế đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt cần làm kỹ càng để có các chính sách hút vốn tư nhân.
Bà Hà yêu cầu VNR sớm có báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về dự báo các phương án khác nhau để có cơ sở phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021. Đồng thời, doanh nghiệp cần cắt giảm các chi phí, áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất; điều chỉnh tái cơ cấu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, có giải pháp nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên...