Tin tức về trữ lượng dầu có dấu hiệu dừng tăng sau cuộc họp OPEC+ tuần trước, nhưng có bốn vấn đề mà các nhà giao dịch dầu nên xem xét trong tuần này.
1. Nhu cầu vẫn phù hợp với mô hình theo mùa
Mặc dù các đợt đóng cửa khiến thị trường dầu chưa tăng trưởng, cung và cầu vẫn tiếp tục xu hướng theo mùa tương tự như giai đoạn trước khi bùng phát Coronavirus.
Nhu cầu dầu là một ví dụ điển hình cho điều này.
Một cách để đánh giá nhu cầu dầu là kiểm tra việc sử dụng dầu thô của các nhà máy lọc dầu ở Mỹ. Tháng 1 nói chung là khoảng thời gian nhu cầu dầu thô cao do các nhà máy lọc dầu hoạt động với công suất lớn để sản xuất xăng và các loại nhiên liệu cũng như chế phẩm khác từ dầu.
Cho đến nay, năm 2021 có vẻ như thị trường dầu vẫn đang tuân theo các mô hình nhu cầu tương tự tại Mỹ.
2. Đợt khí hậu lạnh ở Châu Âu và Châu Á
Một đợt thời tiết cực lạnh tràn vào Châu Á và Châu Âu đang khiến giá khí đốt tự nhiên tăng, đặc biệt là giá LNG tại khu vực Châu Á. Khó có đủ khí tự nhiên để cung cấp nhiệt và năng lượng đang buộc các nhà máy điện ở Châu Á phải chuyển sang sử dụng than và dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp để giải quyết vấn đề này.
Điều này thậm chí còn khiến giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ tăng. Ngoài ra, các nhà dự báo thời tiết đang dự đoán rằng vùng Trung Tây của Mỹ sẽ sớm trải qua một cơn lốc xoáy vùng cực với nhiệt độ lạnh giá cũng có thể ảnh hưởng đến khu vực giữa Đại Tây Dương.
Các nhà giao dịch có thể nhớ lại rằng vào tháng 1 năm 2018, vùng đông bắc Mỹ đã trải qua một cơn lốc địa cực khiến giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến. Dẫn đến kết quả là xảy ra việc tắc nghẽn do không đủ công suất đường ống dẫn đến khu vực New England, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến các vùng của Canada.
Các nhà máy điện buộc phải đốt than và dầu để sản xuất điện, thậm chí nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga. Tình trạng này khó có thể tái diễn ở Trung Tây vì khu vực đó không phải chịu tình trạng đường ống tương tự như ở New England, nhưng vấn đề lại ở nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, bởi vì hiện nay nguồn khí đốt tự nhiên của của Mỹ rất lớn, đang được giải quyết bằng cách hóa lỏng và xuất khẩu ra nước ngoài.
3. Các kho dự trữ dầu thô có giảm hay không?
Báo cáo EIA của tuần này cho thấy tồn kho dầu thô ở Mỹ đã giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước – tuần thứ 5 liên tiếp đánh dấu trữ lượng tồn kho giảm. Đồng thời, dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng. Đó là điều bình thường vào thời điểm này trong năm.
Giá ban đầu tăng khi có tin dầu thô giảm, nhưng sau đó đã giảm. Có lẽ một phần là do thị trường đã xoa dịu bởi một tuyên bố của Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo, về tình trạng của các kho dự trữ dầu thô. Hôm thứ Tư, ông cho biết cả dự trữ dầu thô thuộc OECD hoặc không thuộc OECD “hiện đang ở mức rất cao”.
Các kho dự trữ dầu của OECD cao hơn 160 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. Vì vậy, trong khi các thị trường có thể tạm thời phấn khích bởi sự sụt giảm của kho dự trữ dầu thô ở Mỹ, thì ba triệu thùng chỉ là một sự sụt giảm không đáng kể so với tình hình toàn cầu. Ả Rập Xê-út tuyên bố rằng việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng / ngày “bất ngờ” của họ tại cuộc họp OPEC+ vào tuần trước là để giúp giảm lượng dầu dự trữ hiện đang rất cao này. Các nhà giao dịch nên theo dõi xem liệu việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út thực sự có tác động đến kho dự trữ dầu thô toàn cầu hay đó chỉ là một động thái không có ảnh hưởng gì tích cực.
4. Các dự báo về thị trường dầu năm 2021 vẫn diễn ra khắp nơi
Các tổ chức, ngân hàng và các công ty khác tham gia vào dự báo thị trường dầu dường như đang cho thấy 2 xu hướng dự báo vào năm 2021. Một bên là những người tin rằng nhu cầu dầu mỏ vào năm 2021 sẽ không bắt kịp mức trước đại dịch. Ở một phía khác, có những người nghĩ rằng nhu cầu sẽ phục hồi hoàn toàn trở lại.
Goldman Sachs dự đoán trong tuần này rằng dầu Brent sẽ đạt 65 USD / thùng vào mùa hè này. Trong khi đó, EIA đưa ra dự báo tỉnh táo là 53 USD / thùng là giá trung bình của dầu Brent trong cả năm 2021 và 2022.
Các dự báo hiện tại của OPEC dựa trên ý tưởng rằng nhu cầu dầu sẽ không trở lại mức 2019 vào năm 2021, nhưng Bộ trưởng Dầu mỏ của UAE, Suhail Mazroui, lạc quan hơn. Ông cho biết hôm thứ Tư rằng ông “lạc quan” rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ trở lại mức 2019 vào cuối năm 2021 hoặc trễ nhất là vào năm 2022.
Ở chiều ngược lại, công ty kinh doanh dầu Vitol tin rằng những yếu kém trong du lịch hàng không và nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ cản trở mức tiêu thụ dầu năm 2019 trở lại trong năm nay. Trên thực tế, các dự báo của Vitol khá bi quan và chỉ thấy nhu cầu nhiên liệu máy bay ở Châu Á bắt đầu phục hồi trong quý 3 năm nay.
Tuy nhiên, có thể sự yếu kém về nhu cầu nhiên liệu máy bay không thể cản trở sự phục hồi tổng thể của nhu cầu về dầu như lo ngại. Điều này là do các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ đang chuyển hướng sản xuất ít nhiên liệu máy bay hơn đồng nghĩa với việc ít dầu thô được tiêu thụ hơn. Họ thậm chí còn đang biến nhiên liệu máy bay dư thừa thành nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp cho tàu biển, vốn có nhu cầu cao hơn nhiều so với nhiên liệu máy bay. Vì vậy, trong khi việc di chuyển bằng đường hàng không là một chỉ báo quan trọng về nhu cầu dầu tổng thể, thì thời gian sắp tới có thể nó không còn là một chỉ báo quan trọng như trước đây. Một số dự báo dường như xem xét khả năng có bất kỳ sự thay đổi lớn nào về nguồn cung trong năm mới hoặc lâu hơn.
Các nhà giao dịch nên nhớ rằng hầu hết các tổ chức, cá nhân và công ty đưa ra những dự đoán này đều quan tâm đến nhu cầu và giá cả theo cách này hay cách khác.